Nhận 'trái đắng' vì thêm quá nhiều văn hóa Trung Quốc, đã đến lúc phim Hàn cần tỉnh táo!
Vì chạy theo lợi nhuận mà các nhà sản xuất phim lẫn diễn viên Hàn Quốc đã thêm các yếu tố văn hóa Trung Quốc vào phim quá đà, không để tâm đến cảm nhận của khán giả, cuối cùng 'mất cả chì lẫn chài'.
Lợi bất cập hại
Từ khoảng giữa năm 2020, các tập đoàn lớn của Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh hình thức đầu tư vào các nền tảng trực tuyến như WeTV, iQIYI (app chiếu phim của nhà phát hành Trung Quốc tại nước ngoài)... Qua đó, các nhà đầu tư này không tiếc chi tiền tài trợ cho hàng loạt nhà làm phim Hàn để sản xuất theo yêu cầu của họ.
Một cảnh phim trong "True Beauty" chèn biển quảng cáo Trung Quốc vào.
Đại dịch COVID-19 xảy ra càng khiến mọi thứ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Khi chi phí sản xuất ngày một tăng, nhà đầu tư Hàn Quốc lại siết chặt chi phí, buộc lòng các nhà làm phim đành lựa chọn hợp tác với các đối tác Trung Quốc vì doanh nghiệp nước bạn rất hào phóng mở hầu bao.
Chỉ trong năm 2020, tập đoàn Tencent Trung Quốc đã tài trợ hơn 100 tỷ won (khoảng 2.067 tỷ đồng) cho nhà đài JTBC để sản xuất bộ phim Thế Giới Hôn Nhân. Hay một nhà đầu tư Trung Quốc khác đã tài trợ hơn 400 triệu won (khoảng 8,2 tỷ đồng) chỉ để chèn 4 lần quảng cáo vào bộ phim Vincenzo của Song Joong Ki.
"Thế Giới Hôn Nhân" càn quét các BXH phim Hàn năm 2020.
Lợi nhuận cao đã khiến những nhà làm phim Hàn Quốc sẵn sàng tìm cách đưa quảng cáo của nhà tài trợ Trung Quốc vào. Không ngờ rằng đây chính là tiền đề cho những khó khăn tiếp nối mà nhà sản xuất phim Hàn không lường trước được.
Làn sóng tẩy chay dâng cao
Khoảng tháng 10/2020, hình ảnh nam diễn viên Hứa Khải mặc trang phục thời Minh trong phim Thượng Thực được đăng tải, khán giả Hàn Quốc đồng loạt cho rằng bộ cổ phục này giống với trang phục hanbok của người Hàn. Điều này khiến nhà sản xuất Vu Chính đã có phản ứng khá gay gắt: "Đây là Hán phục của triều đại nhà Minh, không thể vì được Cao Ly (Hàn Quốc cổ đại) mặc mà gọi nó là hanbok được".
Bài đăng của Vu Chính và trang phục gây tranh cãi của Hứa Khải.
Hanbok của Hàn Quốc.
Tiếp đó đến tháng 12/2020, trên mạng xã hội Weibo lan truyền clip của nữ YouTuber có hơn 14 triệu followers - Lý Tử Thất, trong clip cô có nói món kim chi vốn bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ đó dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội, vì kim chi là món ăn được xem như đặc sản, khi nhắc về Hàn Quốc thì sẽ nhớ đến món ăn phổ biến này.
Sau những phát ngôn đến từ những nghệ sĩ được cho là có sức ảnh hưởng như Vu Chính, Lý Tử Thất..., mạng xã hội nổ ra những tranh cãi không hồi kết giữa khán giả Hàn - Trung. Phần đông khán giả Hàn Quốc ngày càng bất mãn và dẫn đến phản ứng gay gắt hơn khi phát hiện phim nội địa sử dụng thực phẩm, hoặc quần áo, văn hóa đến từ Trung Quốc.
Cái kết không báo trước
Như những lần khác, tranh cãi nổ ra thường không lâu sau đó lại lắng xuống. Nhưng lần này, cuối cùng "giọt nước" cũng "tràn ly" khi nhà sản xuất phim Hàn cứ lờ đi ý kiến và cảm xúc của khán giả nội địa, cuối cùng cũng đến lúc họ phải nhận "trái đắng".
Khoảng tháng 3/2021, bộ phim Vincenzo vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận khi khán giả phát hiện diễn viên trong phim ăn món cơm hộp bibimbap (một món cơm trộn phổ biến ở Hàn). Vấn đề nằm ở chỗ nhãn hiệu của hộp cơm lại do một thương hiệu đến từ Trung Quốc sản xuất. Khán giả Hàn Quốc bất mãn đặt vấn đề rằng nếu một món ăn phổ biến ở Hàn lại dán nhãn Trung, vậy thì có phải người khác sẽ nghĩ rằng món ăn này đến từ Trung Quốc?
Hộp cơm bibimbap của Hàn do thương hiệu đến từ Trung Quốc sản xuất trong "Vincenzo".
Đến tháng 4/2021, khi bộ phim Joseon Exorcist lên sóng, cảnh phim vị hoàng tử của Hàn Quốc đã thết đãi khách một bàn tiệc đầy ắp thức ăn, đã đẩy làn sóng tẩy chay văn hóa Trung Quốc đến đỉnh điểm. Vấn đề của cảnh đó là bàn tiệc có bánh trung thu, trứng vịt bách thảo, bánh bao và rượu có dán chữ Hán... Tất cả đều là những món ăn đặc trưng trong văn hóa Trung Quốc, không phải của người Hàn. Phim cũng làm sai lệch đi lịch sử Hàn Quốc, nên càng khiến khán giả nội địa phẫn nộ.
Bánh trung thu, bánh bao, trứng và rượu đều là thực phẩm từ Trung Quốc.
Khán giả Hàn Quốc không chỉ chỉ trích thông qua các trang mạng xã hội, mà còn không ngần ngại ký tên gửi lên Nhà Xanh để yêu cầu dừng phát sóng bộ phim Joseon Exorcist. Dù phim chỉ mới phát sóng 2 tập đầu tiên và nhà sản xuất đã lên tiếng sẽ chấn chỉnh, nhưng không còn kịp nữa, hơn 130.000 chữ ký được gửi về, Joseon Exorcist chính thức bị "khai tử". Không chỉ không được phát sóng trên truyền hình xứ kim chi, Joseon Exorcist cũng không được chỉnh sửa để chiếu mạng, thậm chí cũng không được phép bán bản quyền phim ra nước ngoài.
Từ nhà sản xuất đến diễn viên trong "Joseon Exorcist" đều phải lên tiếng xin lỗi khán giả.
Trước đó, bộ phim Mr. Queen được remake lại từ Thái Tử Phi Thăng Chức Ký của Trung Quốc cũng bị lên án vì vấn đề tương tự, nhưng bộ phim vẫn được chiếu toàn bộ. Tuy nhiên, sau khi Joseon Exorcist bị cấm sóng, hàng loạt kiến nghị nhắm đến Mr. Queen, kết quả bộ phim cũng bị xóa tên khỏi các trang phim trực tuyến.
Mới nhất chính là việc Hàn Quốc dự định remake lại bộ phim Thanh Trâm Hành của Trung Quốc. Nhưng vì làn sóng tẩy chay vẫn đang dâng cao, nhà làm phim buộc phải hoãn dự án này vô thời hạn. Đồng thời thông báo họ dự kiến sẽ tự sản xuất một kịch bản hoàn toàn mới.
Nam diễn viên Park Hyung Sik được mời vào dự án "Thanh Trâm Hành" remake cũng phải hoãn lại lịch trình ghi hình và tham gia phim khác.
Qua loạt phim bị gỡ bỏ và những thất bại ngay trước mắt không khác gì hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất Hàn Quốc, nhất là những đơn vị sản xuất phim sắp tới. Họ sẽ phải tính lại bài toán chi phí để không vì chạy theo lợi nhuận mà tìm mọi cách chèn quảng cáo vào, nhằm trả quyền lợi nhà tài trợ mà không quan tâm đến cảm nhận của khán giả nội địa, tôn trọng văn hóa và lịch sử Hàn Quốc.