Nhân văn nhưng không để 'nhờn luật'

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 27-6-2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Một trong những điểm mới bổ sung trong luật này nhận được sự đồng thuận cao của cử tri cả nước, đó là quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Theo đó, mỗi GPLX có 12 điểm/năm để đánh giá mức độ tuân thủ luật lệ giao thông của người lái xe. Cụ thể, tại Điều 58 quy định rõ: Mỗi lần vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông, lái xe sẽ bị trừ điểm theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của lỗi vi phạm. Thông tin về số điểm bị trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và thông báo đến người lái xe vi phạm ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực. Nếu còn điểm trong năm, GPLX sẽ được phục hồi lại đủ 12 điểm vào năm sau. Trường hợp bị trừ hết điểm trong 1 năm, lái xe sẽ không được phép điều khiển phương tiện giao thông theo loại giấy phép đã đăng ký. Sau 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm, người lái xe có thể tham gia khóa kiểm tra kiến thức do cảnh sát giao thông tổ chức để phục hồi điểm. Người có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi lại đủ 12 điểm trên GPLX. Đối với những GPLX thực hiện việc cấp đổi, cấp lại hoặc nâng hạng sẽ giữ nguyên số điểm như trước khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng.

Đây là chính sách mới có tác động lớn đến việc thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với phương tiện tham gia giao thông cũng như người điều khiển và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Bởi việc trừ điểm thay vì tước GPLX mang tính nhân văn hơn. Qua đó vừa quản lý chặt người được cấp GPLX vừa giúp họ ý thức hơn trong chấp hành tốt quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội. Còn bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện sẽ tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất - kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân.

Hơn nữa, việc tước GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ luôn GPLX không đến lấy, dẫn đến tình trạng tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt, gây lãng phí nguồn lực quản lý. Còn khi áp dụng quy định trừ điểm GPLX sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên. Không những thế, cơ quan chức năng sẽ quản lý người lái xe thuận lợi và toàn diện hơn, từ khi đào tạo cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Nhờ vậy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Cùng với đó, thông qua hệ thống quản lý điểm GPLX, doanh nghiệp hoặc cơ quan sẽ nắm được “lịch sử” của lái xe để đánh giá tốt hay xấu, từ đó cân nhắc việc ký kết hợp đồng lao động và giám sát việc lái xe chấp hành pháp luật về giao thông trong suốt quá trình làm việc.

Dư luận cũng đặt câu hỏi, với quy định trừ điểm GPLX giúp người vi phạm không bị tước GPLX ngay, nhưng liệu có nảy sinh tâm lý “nhờn luật”, đó là: “Cứ vi phạm, khi nào hết điểm thì chỉ cần một buổi kiểm tra kiến thức là được phục hồi?”. Để tránh tình trạng nêu trên, dư luận mong rằng, nội dung, hình thức kiểm tra phải được cơ quan chức năng đảm bảo thực chất, khách quan, nghiêm túc và đủ sức răn đe. Cùng với đó, quá trình trừ điểm GPLX phải áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ, không gây phiền hà cho người dân, hạn chế khả năng xảy ra tiêu cực. Bởi nếu việc kiểm tra mang tính hình thức hoặc không khách quan, thì hiệu quả của chính sách này chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/167601/nhan-van-nhung-khong-de-nhon-luat