Nhân vật chính không nhiều lời
Vẻ khiêm nhường ấy, nỗi sợ bị nổi bật ấy, sự giấu mình đi ấy, tất thảy đều được coi là sự chọn lựa khôn ngoan giữa thiên hạ. Có người quá khôn ngoan từ khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Có người chỉ khôn ngoan sau những vấp ngã và thương tích.
Cuối năm 1985, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc họp ở Hà Nội. Nghe nói rằng hội nghị lần trước là năm 1959, đến 1985 là cả một thời gian hai mươi sáu năm đi qua chiến tranh ác liệt và thời hậu chiến gian khổ, không có lúc nào để tập hợp được mấy thế hệ viết văn trẻ. Buổi tối đầu tiên là cuộc liên hoan chào mừng hội nghị, làm ngay tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội. Chỉ tình cờ, tôi được ngồi cạnh bác Nguyễn Tuân, anh Vân Long và…
…bác Văn Cao.
Cả hai bậc trưởng lão hầu như không nói gì. Người nhìn chén rượu trắng, người nhìn đám viết trẻ như con cháu đang chuyện trò râm ran xung quanh. Có thể vì hai mươi sáu năm mới có một cuộc tập hợp kiểu này cho nên các bậc trưởng lão ưu ái đám trẻ có mặt đầy đủ. Tôi ngắm bác Văn Cao. Má hóp, mấy sợi râu cước bạc. Phải một năm nữa mới bắt đầu thời kỳ Đổi Mới, các ca khúc của ông cũng phải một vài năm nữa mới bắt đầu được hát lại trên các sân khấu lớn nhỏ.
Tất nhiên, tôi chưa bao giờ nghe Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi… Chỉ nghe loáng thoáng cha tôi kể rằng ngay cả mấy bài hát cách mạng của Văn Cao cũng bị người ta phê phán là quá viển vông, lạc quan tếu. Thời tiền khởi nghĩa chống Pháp, chiến khu của ta còn ở trong rừng, giành giật với địch từng tấc đất, súng đạn gươm giáo còn thiếu. Thế mà từ năm 1945 Văn Cao đã viết bài Không quân Việt Nam có những câu như “không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió”.
Rồi phải đến năm 1954 ta mới về tiếp quản Hà Nội, nhưng ngay từ năm 1949, Văn Cao đã viết Tiến về Hà Nội, tưởng tượng ra cảnh chiến thắng trở về: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”… Người ta không coi đấy là dự báo mà cho là tác giả mơ tưởng viển vông phi thực tế. Trong giờ giảng văn giảng nhạc ở đây đó, những câu hát ấy bị trích ra để châm biếm sự xa rời hiện thực của văn chương nghệ thuật.
Rồi đến cuộc vận động sáng tác quốc ca mới năm 1981. Dân chúng đều nghe mười bảy bài hát mới phát đi phát lại nhiều lần trên đài và tivi. Những bài được chọn ấy chất lượng không đến nỗi nào nhưng ý nghĩa của quốc ca đâu phải chỉ ở mỗi tiêu chuẩn chất lượng. Công chúng bàn tán vài ba năm trời. Rồi cho đến lúc dân tình cũng biết kết cục. Tôi thì nghe thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Chánh, thân sinh nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, cán bộ ban Tuyên huấn Trung ương: Chủ tịch nước Trường Chinh đã gặp ông Văn Cao và chính thức nói rằng sẽ không có chuyện thay đổi quốc ca.
Trước Đổi Mới 1986, thế hệ trẻ hầu như không biết gì về văn thơ và ca khúc của Văn Cao. Tôi chỉ nhớ những cuốn sách ông trình bày bìa. Bao giờ cũng là những bìa sách bố cục đơn giản, ít màu, mấy nét vẽ ước lệ, thậm chí không có hình vẽ. Kiểu trình bày sách mang ảnh hưởng của sách Pháp thời xưa. Ông còn thường xuyên được mời vẽ minh họa trên báo Văn Nghệ. Lại vẫn là những bức vẽ tối giản kiểu thời kỳ đầu của Picasso nhưng nét vẽ dày hơn, cứng cáp, chỉ có một vài nhân vật và vài mảng màu đen trắng. Và bao giờ cũng chỉ ký một chữ VĂN khá to, kiểu chữ in.
Cho nên buổi tối khai mạc hội nghị viết văn trẻ năm 1985 ấy, Văn Cao được xem như một ông họa sĩ ngồi giữa cánh viết văn. Mấy ai biết về nhạc và thơ của Văn Cao đâu. Đấy là lý do tôi hỏi ông một câu: Sao bác không tiếp tục viết văn làm thơ nữa?
Ông nhìn chén rượu thủy tinh bé tí xíu, đủng đỉnh như là nói với chén rượu: Ngày trước tôi cũng viết cả đấy, nhưng về sau thấy văn thì không bằng được Nam Cao, thơ chẳng bằng Trần Dần, Nguyễn Bính, nên tôi thôi.
Ông chỉ nói vậy, rồi chẳng nói thêm gì nữa. Câu nói khiến ai nghe được cũng lấy làm hài lòng. Rất khiêm nhường, rất hiểu đời. Người ta luôn thích sự khiêm nhường và luôn bỏ qua cho người khiêm nhường.
Sau đó vài năm thì Văn Cao trở thành cái tên nổi bật trên sân khấu ca nhạc toàn quốc. Năm 1988 lần đầu tiên và duy nhất, tập thơ của Văn Cao xuất hiện, tên sách chỉ có một chữ Lá, kiệm lời đến thế.
Đây là nguyên văn bài thơ Thời gian, chỉ có bảy câu:
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn.
Riêng những câu thơ còn xanhRiêng những bài hát còn xanhVà đôi mắt em như hai giếng nước.
Đổi Mới rồi, cả một kho tàng âm nhạc của Văn Cao được “khai quật” lại, được tân trang, được làm mới, được tận dụng. Sân khấu Nhà hát Lớn mời ông lên để tặng hoa, có bà Băng đi theo để đỡ. Ông chỉ nói một câu, tôi rất vui, rồi thôi. Nhân vật chính nói ít trong khi những nhân vật phụ đang có mặt trên sân khấu thì nói nhiều. Ở các cuộc vinh danh đều xuất hiện một Văn Cao ít nói, nếu nói chỉ vài câu, nói chậm rãi đủng đỉnh từ tốn. Tất nhiên một khi đã trở thành đối tượng bị “săn lùng” của thông tin đại chúng thì cũng có lúc bị phóng viên “ép diễn ép nói”, trong những chương trình truyền hình chẳng hạn, nhưng kể cả trong những cuộc phỏng vấn dài ấy, Văn Cao đều từ tốn đầy cân nhắc. Hình ảnh một con người khiêm nhường và có vẻ thu mình. Như sợ sự quá nổi bật.
Sau này, những chiều chiều được bác Tô Hoài cho uống bia trong cái quán gần nhà bác ở Nghĩa Tân, tôi có lần nghe bác Tô Hoài nói về bác Văn Cao: Ngày trước, bạn bè chúng tôi gọi Văn Cao là Văn Vương.
Sao lại có biệt danh là Vương? Bác Tô Hoài không giải thích nhiều. Lại chỉ một câu ngắn: Ông ấy nói như vương mà.
Rồi lại cũng phải qua chuyện trò với những người cùng thời các bác, tôi mới biết ngày trước Văn Cao cũng thuộc diện hùng biện, nói và viết đều không hề ít. Ở cái thời người ta cần giấu mình đi thì cái người không ngại bày tỏ trở thành mục tiêu. Cũng phải bị nắn sửa chỉnh đốn nhiều lắm thì mới ra một con người biết ngại thời thế, ngại cả đồng nghiệp, mà có khi chính đồng nghiệp mới biết hiểm huyệt của nhau. Rồi bị ghen tài ghen danh mà thành ra tai họa.
Vẻ khiêm nhường ấy, nỗi sợ bị nổi bật ấy, sự giấu mình đi ấy, tất thảy đều được coi là sự chọn lựa khôn ngoan giữa thiên hạ. Có người quá khôn ngoan từ khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Có người chỉ khôn ngoan sau những vấp ngã và thương tích.
Tôi vẫn nhớ dáng vẻ khiêm nhường và thu mình của Văn Cao mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Vẻ ấy như muốn nói với mọi người rằng sự ồn ào phô trương lộ liễu luôn luôn bao hàm trong nó những nguy cơ.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhan-vat-chinh-khong-nhieu-loi-41505.html