Nhân vật Mị vào đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế thời trang
Thông qua các thiết kế, Thùy Nhung muốn tôn vinh văn hóa truyền thống của người H'Mông, đồng thời phản ánh hiện trạng làm xấu đi phong tục bắt vợ.
Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Tôn Đức Thắng thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu.
Các nhà thiết kế trẻ không chỉ mang đến những sản phẩm thời trang độc đáo mà còn lồng ghép những thông điệp giá trị, câu chuyện giàu tính nhân văn.
Sinh viên Huỳnh Thị Thùy Nhung mang tới bộ sưu tập "Hygge" lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" cũng như vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Thông qua các thiết kế, Thùy Nhung muốn tôn vinh văn hóa truyền thống của người H’Mông, đồng thời phản ánh hiện trạng làm xấu đi phong tục bắt vợ.
“Tôi muốn truyền tải một thông điệp tích cực, mỗi một người phụ nữ hãy luôn giữ cho mình một ước mơ, khát vọng, dám đấu tranh, phá bỏ mọi giới hạn để giành quyền tự do, bình đẳng, tự làm chủ cuộc sống của chính mình”, Thùy Nhung bày tỏ.
Sinh viên Giang Minh Phương Thảo mang tới bộ sưu tập "Cội" lấy cảm hứng từ truyền thuyết con rồng cháu tiên. Điểm nhấn của bộ sưu tập là họa tiết rồng ẩn hiện trong sóng nước, giày màu xanh - đỏ tượng trưng cho âm - dương, nóng - lạnh.
"Thiết kế này như một cách biểu trưng cho giá trị của sự đoàn kết', Phương Thảo nói.
Sinh viên Danh Tính mang tới bộ sưu tập "SomRong" lấy cảm hứng từ hoa văn, họa tiết chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (Sóc Trăng). Danh Tính dùng phương pháp đính kết thủ công trên nền vải họa tiết mang đậm chất bản sắc người Khmer.
Ngoài ra Danh Tính còn sử dụng kỹ thuật in 3D từ chất liệu nhựa PLA - một loại nhựa nhiệt dẻo tự phân hủy sinh học có nguồn gốc từ bột ngô, mía, củ sắn… để bảo vệ môi trường.
Sinh viên Trần Lê Thảo Vy mang tới bộ sưu tập "R.A.C" lấy cảm hứng từ rác thải vũ trụ. Bộ sưu tập được Thảo Vy sử dụng các khung thép bọc đất sét, đúng với tinh thần thân thiện với môi trường.
“Hãy nói với những người xung quanh về tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian cho tương lai của chúng ta”, thông điệp của Thảo Vy gửi gắm vào bộ sưu tập.
Đặng Diệp Thảo Nguyên mang tới bộ sưu tập "Dáng". Là người con sinh ra tại Bến Tre nên Thảo Nguyên mong muốn thông qua bộ sưu tập quảng bá về hình ảnh, con người nơi đây bằng ngôn ngữ thời trang.
Mẫu thiết kế phức tạp nhất của Thảo Nguyên là mô tả một vườn dừa bao bọc lấy con người và quê hương Bến Tre, được đan cài từ hàng trăm sợi vải, ruy băng tạo cảm giác bền chắc, dày dặn.
Sinh viên Nguyễn Thị Hiền Trinh mang tới bộ sưu tập "Yên". “Thông qua bộ sưu tập, tôi muốn khơi gợi lại mảnh ký ức vừa lạ vừa quen một thời tuổi thơ dưới bóng cọ. Dù ở thời kỳ nào nếu chúng ta biết yêu thương chính bản thân sẽ luôn tỏa sáng theo cách mình muốn”, Hiền Trinh bày tỏ.
Sinh viên Nguyễn Ngọc Phương Trinh mang tới bộ sưu tập "Another Life" lấy ý tưởng từ tiêu bản của loài bướm - sự giao thoa thú vị giữa khoa học và nghệ thuật.
Những cánh bướm được thể hiện theo nhiều hình thức xử lý chất liệu khác nhau như chần bông, tạo khối nổi 3D được phun mạ vàng...
Sinh viên Lê Thảo Sương mang tới bộ sưu tập "Mermaid's Story" dựa trên câu chuyện truyền thuyết về nàng tiên cá cùng với bí ẩn của đại dương.
Cô sử dụng đa dạng chất liệu như resin, gel định hình, nhựa lỏng… cùng kỹ thuật đính kết, xếp layer chuyển màu… để hoàn thành ý tưởng kể câu chuyện nàng tiên cá bằng ngôn ngữ thời trang.
Sinh viên Vũ Nguyễn Thu Nga mang tới bộ sưu tập "Vân Long" lấy cảm hứng từ phù điêu rồng ở Lăng Khải Định (Huế).
Với cách xử lý chần bông nổi, kết hợp đắp layer, nhà thiết kế tạo cảm giác rồng được điêu khắc sống động hơn. Để mang đến độ chân thật cho đứa con tinh thần của mình, Thu Nga quyết định đắp thêm một lớp vải thưa, giúp đem đến ấn tượng thị giác cao.