Nhân viên ngân hàng làm việc 20 tiếng/ngày vẫn bị sa thải

Ngân hàng Baird (Mỹ) đang đối mặt làn sóng chỉ trích văn hóa bóc lột, khi các nhân sự trẻ phải làm việc tới 110 giờ mỗi tuần và chịu đựng áp lực đến mức kiệt sức.

 Nhiều nhân viên ngành tài chính đang đứng lên tiết lộ những góc khuất trong ngành. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Nhiều nhân viên ngành tài chính đang đứng lên tiết lộ những góc khuất trong ngành. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Vào một buổi tối muộn năm ngoái tại Chicago (Illinois, Mỹ), các nhân viên phân tích và cộng sự trẻ tại ngân hàng Robert W. Baird, công ty tài chính hơn 100 năm tuổi ở vùng Trung Tây nước Mỹ, được mời đến một buổi họp với pizza.

Những tưởng sự kiện này là lời cảm ơn sau chuỗi ngày làm việc đến 4h sáng, song loạt nhân sự lại nhận được lời cảnh báo từ cấp trên về việc cần phải nỗ lực hơn nữa, theo The Wall Street Journal.

Văn hóa làm việc 'vắt kiệt'

Trong bối cảnh Phố Wall đang nhìn lại văn hóa làm việc khắc nghiệt sau cái chết của 2 nhân viên ngân hàng trẻ trong vòng 1 năm qua, những câu chuyện như ở Baird càng khiến dư luận chú ý.

Một số ngân hàng lớn đã đưa ra biện pháp giới hạn thời gian làm việc của nhân viên trẻ xuống còn khoảng 80 giờ mỗi tuần. Nhưng tại Baird, con số đó thường vượt xa, thậm chí chạm mốc 110 giờ mỗi tuần, theo lời kể của các cựu nhân viên.

 Một số ngân hàng lớn tại Mỹ tăng cường các chính sách bảo vệ nhân viên trẻ, giới hạn số giờ làm việc hàng tuần ở mức khoảng 80 tiếng. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba Production/Pexels.

Một số ngân hàng lớn tại Mỹ tăng cường các chính sách bảo vệ nhân viên trẻ, giới hạn số giờ làm việc hàng tuần ở mức khoảng 80 tiếng. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba Production/Pexels.

Một số người cho biết quản lý còn thường xuyên xin miễn trừ để lách quy định nghỉ thứ Bảy của công ty. Dù từng tự hào với quy tắc "No A—hole Rule" (tạm dịch: "không chấp nhận kẻ tồi tệ”), môi trường làm việc tại đây vẫn bị đánh giá là ngột ngạt và quá tải.

Từ đầu năm 2024 đến nay, hơn chục nhân viên trẻ của nhóm đã nghỉ việc. Một số người phải nhập viện vì làm việc quá sức, trong đó có người từng báo với bộ phận nhân sự rằng khối lượng công việc là không thể chịu đựng nổi.

Sự bức xúc của nhóm nhân viên gần đây đã lan rộng sau khi một bài viết ẩn danh đăng trên Wall Street Oasi, diễn đàn chuyên về ngành tài chính mô tả trải nghiệm tồi tệ tại Baird.

“Là một nhân viên phân tích hay cộng sự, bạn bị đối xử như rác rưởi”, người này viết. Nội dung đã nhận về hàng trăm bình luận, nhiều người chia sẻ họ cũng từng trải qua điều tương tự tại Baird và các ngân hàng khác. Sau đó, ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng đã tổ chức một buổi họp toản thể với đội ngũ.

Tại buổi họp, họ khuyến khích các nhân viên cấp dưới chia sẻ những lo ngại và cam kết sẽ lắng nghe nhiều hơn. Một số nhân viên trẻ cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, nhưng không phải ai cũng tin rằng sự thay đổi sẽ thực sự diễn ra.

Ngân hàng Baird đã từ chối đưa ra bình luận về sự việc.

Bức màn tố cáo

Loạt bài viết tố cáo ẩn danh đã vén màn góc khuất nhức nhối về áp lực tại một trong những công ty tài chính có tiếng ở Mỹ.

Một số nhân viên trẻ tại Baird cho biết họ không phiền với môi trường làm việc hiện tại, cho rằng đây là “văn hóa chung” của ngành ngân hàng đầu tư.

Ở phía khác, nhiều cựu nhân viên chia sẻ họ e ngại lên tiếng vì sợ bị đánh giá yếu kém, trong khi cấp trên thường viện lý do “ngày xưa còn cực hơn” để phớt lờ tình trạng làm việc quá tải.

 Năng suất và hiệu quả đôi khi được đánh đổi bằng sức khỏe của chính những người trẻ đang làm việc. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Năng suất và hiệu quả đôi khi được đánh đổi bằng sức khỏe của chính những người trẻ đang làm việc. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Một cựu nhân viên phân tích kể lại anh từng dành cả năm trời để theo đuổi một thương vụ, liên tục thức trắng đêm để chuẩn bị tài liệu. Trong một lần tranh thủ rời bàn làm việc 25 phút để ăn tối, anh đã bị cấp trên nổi giận, yêu cầu không được rời khỏi bàn quá 5 phút nếu không báo trước.

Hay trường hợp khác, một nhân viên từng phản ánh với phòng nhân sự về lịch làm việc 20 tiếng mỗi ngày vào mùa xuân năm ngoái. Không lâu sau, người này đột ngột ngất xỉu tại nhà và được chẩn đoán suy tụy. Bác sĩ cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến khối lượng công việc quá tải. Vài tuần sau lần nhập viện thứ hai, người này bị cho nghỉ việc vì “năng suất kém”.

Các bài viết lan truyền cũng chỉ đích danh nhân sự cấp trung Aaron Haney bị cho là thường xuyên giao việc khiến cấp dưới làm tới 20 tiếng mỗi ngày. Theo một số nguồn tin nội bộ, người này đã bị sa thải trong tháng này sau khi bài viết lan truyền.

Dù vậy, nhiều đồng nghiệp cho biết Haney được lòng đội ngũ và cũng là người làm việc cực kỳ chăm chỉ, không kém gì các nhân viên trẻ.

Haney từ chối bình luận về sự việc.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhan-vien-ngan-hang-lam-viec-20-tiengngay-van-bi-sa-thai-post1550362.html