Nhân viên quán karaoke ở TP.HCM thành bốc vác khi thất nghiệp

Trong hơn nửa năm karaoke đóng cửa, anh Trương Văn Sương (31 tuổi) xin làm thời vụ ở một kho hàng. Công việc, thu nhập bấp bênh khiến anh không dám nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết.

9h sáng, anh Sương cùng vài đồng nghiệp có mặt tại quán karaoke trên đường Cách mạng tháng 8 (quận 3) để bắt tay vào bảo trì máy móc, dọn dẹp phòng ốc.

"Cảm xúc giờ đây lẫn lộn, phức tạp lắm. Chúng tôi chờ ngày mở cửa cũng hơn nửa năm rồi", anh Sương nói với Zing.

Dịch vụ karaoke ở TP.HCM "đóng băng" nhiều tháng qua vì dịch bệnh.

Số lượng nhân viên vẫn còn có thể chờ đợi được trở lại với nghề như anh Sương không nhiều. Nhiều người không trụ nổi, đều đã chuyển hướng, tìm công việc mới để mưu sinh trong dịch.

 Anh Sương dọn dẹp quán karaoke, chờ ngày được đi làm trở lại.

Anh Sương dọn dẹp quán karaoke, chờ ngày được đi làm trở lại.

Quản lý, nhân viên quán karaoke thành shipper, bốc vác

Anh Sương, quê Nghệ An, vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 2008. Đến năm 2016, anh trở thành nhân viên quán karaoke. Sau vài năm chăm chỉ, cố gắng làm việc và học hỏi, anh được cất nhắc lên vị trí quản lý chi nhánh.

Nhìn lại 13 năm mưu sinh trên đất Sài Gòn, anh Sương chưa bao giờ cảm thấy khốn khổ như 6 tháng vừa qua.

"Nếu không có đợt dịch cuối và đầu năm ngoái, cuộc sống chắc đã ổn hơn. Do dịch nên ngày 18/3, karaoke mới được mở lại nhưng đến đợt 30/4 đã phải đóng cửa. Tính ra cả năm qua, tôi đi làm mới được 43 ngày".

Hai tháng trở lại đây, anh Sương cùng nhiều đồng nghiệp xin vào làm việc cho một kho hàng. Một số người may mắn ký được hợp đồng chạy shipper, trong khi số khác chỉ được nhận vào làm thời vụ.

"Sáng tôi vẫn xin sang kho bốc vác, một số anh em khác vẫn chạy shipper, đến tầm chiều tối lại ghé quán karaoke dọn dẹp, phụ bảo trì máy móc", anh Sương kể.

Làm 2, 3 công việc cùng lúc nhưng không nơi nào ổn định, vì vậy, thu nhập bấp bênh hơn nhiều so với trước dịch, chỉ làm ở quán karaoke.

Khi được hỏi liệu Tết năm nay có về quê không, anh Sương nói: "Có lẽ là không. Tôi còn chưa dám nghĩ đến Tết vì buồn và sợ".

 Chị Hà muốn đi làm, dành dụm tiền cho ngày sinh con đầu lòng.

Chị Hà muốn đi làm, dành dụm tiền cho ngày sinh con đầu lòng.

Khoảng một tháng nữa là đến ngày dự sinh nhưng chị Đỗ Kim Hà, nhân viên lễ tân của quán karaoke, vẫn hy vọng sẽ được đi làm để kiếm thêm thu nhập.

"Nếu như không có dịch, 6 tháng qua được đi làm thì giờ tôi có thể nghỉ ngơi chờ sinh. Nhưng nửa năm rồi chỉ ở nhà, giờ phải ráng đi làm mấy tháng cuối thôi, kiếm được nhiêu thì kiếm".

Vợ chồng chị Hà đều là nhân viên quán karaoke suốt 4-5 năm qua. Trong thời gian nghỉ dịch, cả gia đình về quê ở Đắk Lắk phụ bố mẹ làm nông.

Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hai vợ chồng về lại thành phố. Trong khi ông xã chạy shipper cho một ứng dụng giao hàng, chị Hà chỉ biết chôn chân ở phòng trọ với 4 bức tường.

"Chính xác là 6 tháng 17 ngày. Chừng đó thời gian không làm gì ra tiền, sốt ruột lắm chứ".

Mong chờ ngày trở lại

Khi quán karaoke đóng cửa vào đầu tháng 5, anh Bùi Duy Thức (28 tuổi) trở về quê ở Quảng Trị. Đến ngày 7/11, anh trở lại TP.HCM.

Vì đã tiêm đầy đủ vaccine, nhân viên này luôn trong tâm thế sẵn sàng đi làm trở lại ngay khi dịch vụ karaoke được phép hoạt động.

"Nghỉ dịch nhiều quá vừa buồn, vừa xa anh em đồng nghiệp, không có công ăn việc làm gì cả. Lúc ở quê tôi sống bằng tiền tiết kiệm hồi giờ và cũng được bố mẹ lo cho một phần".

Do nhiều đồng nghiệp vẫn còn mắc kẹt ở quê, anh Thức vẫn thường đến quán phụ việc lặt vặt dù nơi này chưa thể mở cửa trở lại. "Máy móc, thiết bị vẫn phải vận hành để không bị hư hỏng. Một số nhân viên vẫn thường lui tới để lau chùi, quét dọn với hy vọng sớm được mở cửa, đón khách".

 Anh Thức hy vọng được trở lại với nghề sau nửa năm về quê tránh dịch.

Anh Thức hy vọng được trở lại với nghề sau nửa năm về quê tránh dịch.

Anh Nguyễn Quế Sơn, quản lý karaoke ICool khu vực trung tâm TP.HCM, cho biết hiện hệ thống karaoke này chỉ đảm bảo được khoảng 40% nhân lực.

"Trước đây, cả hệ thống có hơn 600 nhân viên. Trong dịch, một số về quê, số khác không trụ nổi đã phải chuyển nghề làm shipper, chạy xe công nghệ".

Trong thời gian đóng cửa, hệ thống karaoke này chuyển đổi sang kinh doanh thức ăn mang đi và mở dịch vụ cho thuê dàn âm thanh.

"Vận hành như vậy chủ yếu để duy trì sinh khí, cho mọi người có hy vọng về ngày trở lại thôi. Còn thực tế doanh thu chắc chắn không đủ để lo hết cho toàn bộ nhân viên cũng như trả tiền thuê mặt bằng".

Huệ Lâm

Ảnh: Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-quan-karaoke-o-tphcm-thanh-boc-vac-khi-that-nghiep-post1278141.html