Nhân viên thiết bị, thí nghiệm trường học có được hưởng mức phụ cấp độc hại 0,2?

Nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong trường học được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm (mức 0,2) theo hướng dẫn CV số 9552/TCCB năm 2003 của Bộ GD&ĐT.

Đây là vấn đề được đội ngũ nhân viên phụ trách thiết bị, thí nghiệm các trường rất quan tâm, hiện nay có sự việc chi trả không đồng đều, có nơi chi trả phụ cấp độc hại cũng có nơi không chi, khiến họ có phần bức xúc vì lương, thu nhập của nhân viên trường học hiện nay thấp, áp lực cao, nhiều thiệt thòi.

Bộ Giáo dục trả lời nhân viên trường học được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm mức 0,2

Ngày 28/11/2024, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1628/NGCBQLGD-CSNGCB gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn về việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với nhân viên thiết bị, thí nghiệm.

 Công văn 1628 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo

Công văn 1628 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sau khi viện dẫn các quy định hiện hành, trong Công văn 1628 Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: “Nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong trường học được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm (mức 0,2) theo hướng dẫn tại Công văn số 9552/TCCB ngày 26/9/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục được hưởng cho đến khi có sự thay đổi các yếu tố độc hại, nguy hiểm.”

Như vậy, với công văn mới nhất, tiếp tục khẳng định nhân viên thiết bị, thí nghiệm, trường học sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm mức 0,2.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều công văn, văn bản đề nghị các địa phương xem xét chi trả phụ cấp độc hại cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm.

Đây có thể là tin vui cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm trường học, tuy chỉ là Công văn trả lời cho tỉnh Lạng Sơn, nhưng các địa phương khác vẫn có thể áp dụng và chi trả chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm để cải thiện một phần thu nhập, khiến họ yên tâm, gắn bó với nghề.

Nhiều nhân viên trường học mong sớm được hưởng phụ cấp

Thực tế, hiện nay, nhiều địa phương đã có chi trả mức phụ cấp này cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm, nhưng có nhiều địa phương vẫn không thực hiện chi trả vì liên quan đến yếu tố tài chính, ngân sách do cấp trên (Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện) không cấp phần kinh phí chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong phần dự toán giao hàng năm.

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2 Mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV như sau:

II. Mức phụ cấp và cách tính trả phụ cấp

2. Quy định áp dụng các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

a) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

a1) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

a2) Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

a3) Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

a4) Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.

c) Mức 3, hệ số 0,3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.

d) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.

3. Cách tính và nguồn kinh phí chi trả phụ cấp:

a) Cách tính trả phụ cấp:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

b) Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị;

Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.

Tại Công văn 9552/TCCB năm 2003 thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ, công, viên chức làm việc trong phòng thí nghiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cho các vị trí cụ thể sau: “II. Các mức phụ cấp

1. Mức 0,3 so với mức lương tối thiểu áp dụng đối với người làm việc trong phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân, thí nghiệm hóa phóng xạ.

2. Mức 0,2 so với mức lương tối thiểu áp dụng đối với người làm việc trong phòng thí nghiệm hóa, sinh, điện cao áp, thủ kho hóa chất.”

Công văn 1628 mới nhất, Cục Nhà giáo và Cán Bộ Quản lý giáo dục nêu mức phụ cấp nhân viên thiết bị, thí nghiệm trường học được hưởng là 0,2.

Để cải thiện phần nào thu nhập của nhân viên trường học, rất mong các cơ sở giáo dục căn cứ vào các quy định hiện hành để chi trả, truy lĩnh mức phụ cấp độc hại 0,2 cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm để họ có thêm phần nhỏ thu nhập, cống hiến với nghề.

Bên cạnh đó, các ban ngành liên quan cũng rất cần nghiên cứu và có chính sách phù hợp để cải thiện thu nhập cho nhân viên trường học như văn thư, kế toán, thiết bị, thí nghiệm, thư viện,… Không ít nhân viên trường học do thu nhập thấp, công việc áp lực nên không thể bám trụ với nghề.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhan-vien-thiet-bi-thi-nghiem-truong-hoc-co-duoc-huong-muc-phu-cap-doc-hai-02-post247496.gd