Nhân viên thư viện trường học mong muốn hưởng phụ cấp nghề tương xứng

Gửi đi nhiều tâm thư, bài báo… đề xuất nhưng các nhân viên trường học vẫn chưa nhận được chế độ, phụ cấp nghề tương xứng.

Chị Trịnh Thị Ngọc Chung hướng dẫn học sinh tại thư viện. Ảnh: NVCC

Chị Trịnh Thị Ngọc Chung hướng dẫn học sinh tại thư viện. Ảnh: NVCC

Mức lương không đủ duy trì cuộc sống

“Tiền thì không biết bao nhiêu cho đủ, nhưng với những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như cơm áo, thuốc men và nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già thì mức lương hiện tại nhận trong tháng chỉ đáp ứng được một nửa” - Đó là chia sẻ của cô Trịnh Thị Ngọc Chung - nhân viên thư viện tại Trường Tiểu học Xuân Cao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Tốt nghiệp chuyên ngành Thông tin - Thư viện và đã công tác trong nghề hơn 19 năm, hiện cô Chung nhận về mức lương hệ số 3,66 hạng III theo ngạch lương của viên chức loại A1. Ngoài lương chính tăng theo chế độ chung của Nhà nước, cô được nhận thêm 0,2% phụ cấp độc hại. Bên cạnh đó, cô cho biết, bản thân đã có bằng đại học từ năm 2014 nhưng năm 2020 mới được thăng hạng lương, muộn 6 năm.

“Đặc thù công việc của nhân viên trường học không áp lực như giáo viên nhưng vấn đề thu nhập là một áp lực dai dẳng và buồn tủi”, cô Chung bày tỏ.

Nói về công việc đang làm, cô cho biết mình và đồng nghiệp đều đang kiêm nhiệm nhiều vị trí. Ở một số trường, đội ngũ nhân viên không nhiều, có nơi chỉ từ 1 - 3 người. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn được phân công, cô và mọi người phải làm thêm các công việc khác như quản lý thiết bị học đường, hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, đôi khi là tham gia vào cả nhiệm vụ hành chính không thuộc phạm vi chuyên môn.

“Không có văn bản cụ thể đối với việc kiêm nhiệm của nhân viên trong trường học như đối với giáo viên, nhiều việc đến tay chúng tôi nhưng không có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đúng với công sức bỏ ra”, cô nói.

Cùng hoàn cảnh giống chị Chung, công tác trong nghề đã 20 năm nhưng cô Lê Thị Liên - nhân viên thư viện tại Trường Tiểu học Quảng Minh, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn chật vật với mức lương hiện tại. Nuôi hai con đang độ tuổi đi học, chưa kể chăm sóc gia đình và các khoản phát sinh cần chi trả, cuộc sống của cô và nhiều bạn đồng nghiệp khác vô cùng khó khăn. Đối chiếu với mức sống hiện nay, đồng lương của các nhân viên trường học như chị rất khó để trang trải. Muốn nuôi sống bản thân và gia đình, hầu hết họ phải tìm thêm việc làm sau giờ hành chính.

“Với lương cơ bản nhân hệ số cùng 0,2 phụ cấp độc hại, một tháng tôi nhận về khoảng hơn 6 triệu đồng, đã trừ bảo hiểm và công đoàn. Để đảm bảo cuộc sống ổn định, tôi phải làm thêm việc bán hàng online mới xoay sở được", cô Liên tâm sự và cho biết thêm, tại địa phương, trường học chỉ có hai nhân viên, một nhân viên kế toán và một nhân viên thư viện kiêm nhiệm các việc còn lại: văn thư, thiết bị, y tế, công nghệ thông tin, phổ cập… Khối lượng công việc nhiều, cộng thêm việc làm ngoài khiến cô cảm thấy rất áp lực.

Thực tế, có không ít nhân viên trường học trên cả nước hiện nay đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi chế độ lương bổng không phản ánh đúng vai trò và khối lượng công việc mà họ đảm nhiệm. Đặc biệt, những người làm trong lĩnh vực thư viện, văn thư hay thiết bị trường học thường không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù như giáo viên, dù họ cũng góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hoạt động giáo dục diễn ra suôn sẻ. Việc này dẫn đến sự so sánh và cảm giác bị bỏ quên trong hệ thống.

“Chúng tôi cảm thấy thất vọng và thiệt thòi khi đứng ngoài mọi chế độ dù hàng ngày vẫn cống hiến", cô Liên chia sẻ và cho biết bản thân đã cùng nhiều đồng nghiệp viết tâm thư gửi Bộ Nội vụ với hy vọng nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo.

Kỳ vọng xúc tiến nhanh các chính sách

Theo thống kê từ Bộ GDĐT, hiện nay, toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học; trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán; trên 32.100 nhân viên y tế, trên 35.100 nhân viên thư viện, gần 32.300 nhân viên thiết bị thí nghiệm, hơn 13.600 nhân viên công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật… Phần lớn nhân viên trường học chỉ nhận mức lương khởi điểm dành cho trung cấp (hệ số 1,86) hoặc cao đẳng (hệ số 2,1). Việc thăng hạng để chuyển sang mức lương dành cho trình độ đại học (ĐH) gặp rất nhiều khó khăn, dù không ít người đã có bằng ĐH, do các quy định và thủ tục phức tạp.

Tại họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu rõ: Các nhân viên y tế, kế toán tại các trường học là viên chức. Nhưng các nhân viên y tế, kế toán trường học này không phải là nhà giáo nên không được hưởng chính sách ưu đãi hiện nay của nhà giáo.

Thời gian qua Bộ GD&ĐT đã rà soát và phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Nói về các chính sách, cô Trịnh Thị Ngọc Chung hy vọng sẽ có văn bản quy định cụ thể cho việc kiêm nhiệm vị trí cũng như phụ cấp nghề. Theo cô, mức đề xuất tăng 25% là phù hợp vì cùng công việc này nhưng ở các cơ quan hành chính nhà nước khác, viên chức được hưởng phụ cấp công vụ tương tự. Cô Chung cũng mong muốn có thêm phụ cấp thâm niên theo nghề để ghi nhận sự cống hiến của mỗi cá nhân.

 Nhân viên trường học kiêm nhiệm nhiều vai trò đối với học sinh nói riêng và nhà trường nói chung. Ảnh: NVCC

Nhân viên trường học kiêm nhiệm nhiều vai trò đối với học sinh nói riêng và nhà trường nói chung. Ảnh: NVCC

“Mức phụ cấp 25% Bộ GD&ĐT đề xuất cho nhân viên chúng tôi tuy rằng chưa cao so với ngành khác nhưng đây chính là động lực và cũng là tia hy vọng để chúng tôi tiếp tục cố gắng những năm còn lại cho ngành giáo dục nước nhà. Rất mong nhận được sự quan tâm từ các bộ.” Cô Lê Thị Liên chia sẻ.

Phong Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-vien-thu-vien-truong-hoc-mong-muon-huong-phu-cap-nghe-tuong-xung-post711610.html