Nhân viên tình báo Pháp được thả ở Burkina Faso

Chiến lược địa - chính trị của Pháp luôn đặt các nước thuộc địa Châu Phi cũ ở một vị trí quan trọng. Vị thế cường quốc của Pháp suy yếu trong mấy năm trở lại đây cũng liên quan trực tiếp đến quan hệ giữa họ và các nước này. Các quốc gia Châu Phi nói tiếng Pháp như Burkina Faso, Niger, Chad và Senegal sau khi trải qua đảo chính và bầu cử chính phủ mới đã có nhiều hành động mang tính 'hất cẳng' Pháp và chứng tỏ quyền độc lập của họ.

Trong bối cảnh trên, liệu việc Burkina Faso trả tự do 4 nhân viên Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp (DGSE) sau hơn 1 năm giam giữ có là dấu hiệu cho thấy sự “hạ nhiệt” giữa các bên?

Cuộc khủng hoảng

Đại úy quân đội Burkina Faso Ibrahim Traoré trở thành tổng thống lâm thời của quốc gia này sau một cuộc đảo chính chớp nhoáng vào ngày 30/9/2022. Vị đại úy vốn là một người ủng hộ cuộc đảo chính vào ngày 23/01/2022 nhưng trở nên thất vọng sau khi thấy chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba tỏ ra bất lực trong cuộc chiến chống quân khủng bố Hồi giáo. Tổng thống Traoré nhằm phục vụ mục tiêu quân sự của mình đã tiến hành “xoay trục” ngoại giao quốc gia, và một trong những điều đầu tiên ông làm là trục xuất 3 nhân viên ngoại giao và các lực lượng đặc nhiệm Pháp ra khỏi Burkina Faso.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Morocco Mohammed VI.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Morocco Mohammed VI.

Mặc cho quan hệ giữa Paris và Ougadougou xấu đi, DGSE và Cơ quan tình báo quốc gia Burkina Faso (ANR) vẫn tiếp tục hợp tác. Mọi chuyện chỉ chấm dứt vào ngày 29/11/2023 khi 4 nhân viên DGSE bị Tổng cục An ninh Burkina Faso bắt giữ tại phòng khách sạn. 4 cá nhân trên là nhân viên công nghệ - kỹ thuật mới được DGSE phái đến Ouagadougou để giám sát và hỗ trợ một chiến dịch chống khủng bố chung giữa hai nước.

Burkina Faso cáo buộc 4 nhân viên DGSE tội gián điệp và chống phá chính quyền sở tại. Theo bản cáo trạng thì 4 bị cáo nhập cảnh trong khi visa ngoại giao của họ còn chưa được Burkina Faso xét duyệt, và trên người còn đem theo điện thoại có chức năng gián điệp, có ảnh chụp địa điểm các cơ quan công quyền tại Ougadougou, và có số điện thoại của một số nhân vật quyền lực ở địa phương. Việc DGSE phạm phải những lỗi sai về thủ tục hành chính cơ bản như trên đã khiến nhiều nhà quan sát phải đặt dấu hỏi.

Về phần mình thì Paris tuyên bố Ougadougou đã bắt cóc công dân Pháp. Chính phủ Macron giữ vững quan điểm rằng Burkina Faso muốn tìm cớ chấm dứt quan hệ hợp tác tình báo giữa hai nước để lại gần với Nga. Chứng cớ được Pháp viện dẫn là việc 20 nhân viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) đã đến Ougadougou khoảng gần một tháng trước khi vụ bắt giữ 4 nhân viên DGSE xảy ra.

Tổng thống Macron vốn từ lâu đã bất mãn về bộ máy tình báo Pháp do không dự báo được trước về các sự kiện địa-chính trị quan trọng, đơn cử như cuộc đảo chính tại Niger vào tháng 7/2023. Vụ bắt giữ nhân viên DGSE là “giọt nước tràn ly” đối với tổng thống. Ông Macron sa thải giám đốc DGSE Bernard Emíe và bổ nhiệm Nicolas Lerner, nguyên giám đốc Tổng cục An ninh Nội địa Pháp (DGSI), giữ vị trí trên. Ông Lerner ngay sau khi nhận chức đã ra quyết định rút toàn bộ nhân viên DGSE ở Ouagadougou về nước.

4 nhân viên tình báo Pháp sau hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Ouagadougou thì được chuyển đến một biệt thự tại quận Ouaga 2000 của thủ đô. Chính quyền Burkina Faso sở hữu một số ngôi nhà tại nơi đây để phục vụ các mục đích như thám báo và giam giữ tù nhân đặc biệt. Cùng thời điểm này, Bộ Ngoại giao Pháp và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp, tướng Fabien Mandon, gửi thư đến Tổng thống Togo Faure Gnassingbé để nhờ ông này đứng ra thương lượng với phía Burkina Faso. Ông Gnassingbé hiện duy trì mối quan hệ tốt với Burkina Faso và các chính phủ quân sự hậu đảo chính khác phần vì muốn tạo sự ổn định cho chính nền chính trị Togo đang có nhiều biến động.

Bộ trưởng Ngoại giao Togo Robert Dussey và Đại tá Ali Esso Tchakpélé, Giám đốc Cục Tình báo nước này, dẫn đầu một phái đoàn ngoại giao đến Burkina Faso vào tháng 12/2023 nhằm đàm phán việc trả tự do cho các tù nhân Pháp. Phía Burkina Faso không chịu “xuống nước”. Ông Traoré yêu cầu Paris phải trục xuất 3 công dân Burkina Faso về nước: nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Djibril Bassolé, nguyên cố vấn kinh tế Francois Compaoré, em trai của cựu Tổng thống Blaise Compaoré; và nhà báo Newton Ahmed Barry. Paris từ chối, ông Traoré liền đòi hỏi khoản tiền chuộc lên đến 150 triệu Euro. Yêu cầu này tiếp tục bị Paris từ chối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống lâm thời Burkina Faso Ibrahim Traoré.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống lâm thời Burkina Faso Ibrahim Traoré.

Vào đầu năm 2024, DGSE mở một kênh đàm phán mới thông qua Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE). Chính sách chung của UAE với các chính phủ khu vực Trung Phi vừa mới xảy ra đảo chính là ngoại giao mềm mỏng và xây dựng quan hệ đồng minh. Mặt khác Burkina Faso đang dựa rất nhiều vào trợ cấp tài chính và lương thực từ UAE. Ouagadougou hiện đang sử dụng tiền viện trợ từ UAE để trả lương cho nhân viên chính quyền các cấp.

Sau khi việc đàm phán thông qua UAE có một số dấu hiệu tích cực, các tù nhân Pháp bắt đầu được đối xử tốt hơn. Họ bị tách ra làm hai cặp và tạm giam ở hai biệt thự khác nhau. 4 người họ được phép xem TV, gửi thư về Pháp, và trò chuyện với người thân qua điện thoại. Bác sĩ tâm lý đến thăm họ hàng tháng. Các nhà ngoại giao và luật sư tại lãnh sự quán Pháp ở Ouagadougou cũng thường xuyên đến thăm 4 tù nhân để tư vấn pháp lý cho họ. Hai khó khăn duy nhất của các tù nhân là họ không được ra ngoài và cứ một tháng là bị chuyển đến một biệt thự khác.

Trong khi đó áp lực từ dư luận Pháp đặt lên chính phủ của Tổng thống Macron ngày càng tăng. Tờ Le Monde tiết lộ là DGSE đã có ý định thực hiện một chiến dịch giải cứu 4 nhân viên của mình bằng trực thăng. Nhưng sau khi DGSE đã lên xong kế hoạch tác chiến thì lại quyết định không thực hiện vì khâu chuẩn bị nhân lực, máy móc và thăm dò địa hình quá khó khăn. Họ cũng sợ các hậu quả về mặt ngoại giao và quân sự nếu như lính đặc nhiệm Pháp đặt chân xuống Ouagadougou.

“Cứu tinh” đến từ Morocco

Nhận thấy rằng ảnh hưởng của UAE đối với Burkina Faso là chưa đủ, Paris liền tìm kiếm một đối tác mới làm trung gian đàm phán. Đây là lúc Morocco bước vào sân khấu. Tổng thống Traoré và không ít sĩ quan quân đội khác trong chính phủ lâm thời Burkina Faso từng được đào tạo tại Morocco. Ông Traoré sau khi lên nhận chức tổng thống cũng từng nhiều lần ca ngợi Morocco trên các diễn đàn và coi vương quốc Tây Phi này là một mô hình phát triển mà Burkina Faso có thể học tập. Hiện ANR đang có thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với Tổng cục Tình báo Morocco (DGED). Giám đốc ANR, Đại úy Oumarou Yabré, còn từng theo học tại Học viện Quân sự Saint-Cyr của Pháp và được DGSE trực tiếp đào tạo.

Vào ngày 30/7/2024, Tổng thống Macron gửi một bức thư chúc mừng Quốc vương Mohammed VI của Morocco nhân ngày kỷ niệm nhà vua lên ngôi. Ông Macron viết trong thư rằng Paris “...công nhận hiện tại và tương lai của khu vực miền Tây Sahara thuộc về chủ quyền của Morocco. Tuyên bố đồng nghĩa với việc Pháp đứng về phía Morocco trong việc tranh chấp mảnh đất vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha ở Tây Sahara với Algérie. Tổng thống Macron sẵn sàng “hy sinh” quan hệ đồng minh với Algérie để phía Morocco bước vào cuộc đàm phán với Burkina Faso.

Từ tháng 9 đến tháng 12/2024, các quan chức cấp cao của DGED đã chính thức đến thăm Ouagadougou 4 lần. Ông Oumarou Yabré cũng đến thăm Morocco hồi tháng 10/2024, chỉ cách chuyến thăm Morocco của Tổng thống Macron hơn một tuần. Ngoài việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với Rabat, chủ đề chính trong cuộc họp giữa ông Macron và Quốc vương Mohammed VI là việc đàm phán trả tự do cho 4 tù nhân Pháp.

Cuối cùng thì Burkina Faso cũng đồng ý trả tự do cho các tù nhân vào ngày 18/12/2024. Ngay sau đó thì Morocco đã phê chuẩn một khoản viện trợ trị giá 60 triệu Euro cùng nhiều trang thiết bị quân sự cho Burkina Faso. Ngay trong đêm 18/12, 4 cựu tù nhân Pháp bay từ sân bay Ouagadougou đáp xuống sân bay Casablanca (Morocco). Chiếc máy bay Bombardier Challenger 604 chở họ được DGED phái đến. Các nhân viên tình báo sau đó được kiểm tra sức khỏe và tâm lý trong cả một ngày trước khi được trở về với gia đình để vừa kịp dịp nghỉ lễ.

Người dân Burkina Faso biểu tình ủng hộ ông Ibrahim Traore và yêu cầu quân đội Pháp rút khỏi nước này.

Người dân Burkina Faso biểu tình ủng hộ ông Ibrahim Traore và yêu cầu quân đội Pháp rút khỏi nước này.

Một Châu Phi mới

Vào tháng 11/2017, sáu tháng sau khi nhậm chức tổng thống, ông Macron có một buổi trò chuyện với sinh viên Đại học Ouagadougou (Burkina Faso). Tổng thống Pháp phát biểu: “Tôi không đến đây để nói với các bạn rằng người Pháp sẽ tiếp tục quyết định chính sách phát triển của Châu Phi. Pháp và các nước Châu Phi từ nay là đối tác bình đẳng với nhau... Tôi cũng giống như các bạn. Tôi sinh ra trong một thế hệ không còn chế độ thuộc địa ở Châu Phi nữa”. Bài phát biểu nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ sinh viên Burkina Faso.

Sau hơn 6 năm ông Macron tại vị, niềm hy vọng về một trục quan hệ Pháp - Châu Phi mới vẫn chưa thành hiện thực. Nhà kinh tế, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Togo Kako Nubukpo, viết trong một bài báo trên tờ Le Monde: “Tổng thống Macron đã khơi dậy niềm hy vọng về một thế giới mới nhưng lại chẳng đặt một viên gạch làm nền móng cho thế giới đó... Nhiều chính phủ Châu Phi đã mất niềm tin”.

Chủ đề trong bài báo của ông Kako Nubukpo là về sự thất bại trong việc thay thế đồng Franc CFA. Đồng Franc CFA được các nước thuộc địa Châu Phi cũ của Pháp sử dụng và được Kho bạc Quốc gia Pháp bảo đảm. Paris từng nhiều lần sử dụng đồng Franc CFA để thao túng chính sách kinh tế khu vực Tây và Trung Phi. Ông Macron và Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara là hai tác giả chính của kế hoạch thay thế đồng Franc CFA bằng một đồng tiền mới cho phép các nước Châu Phi được tự chủ hơn về tài chính. Tuy vậy vì nhiều lý do khác nhau mà việc đàm phán giữa các bên liên quan tiếp tục giậm chân tại chỗ kể từ năm 2019 (thời điểm Pháp và Bờ Biển Ngà ký thỏa thuận ghi nhớ) đến nay.

Trong khi đó thì quyền lực của Pháp tại Châu Phi tiếp tục suy giảm. Vào ngày 28/11/2024, Tổng thống Bassirou Diomaye Faye của Senegal và Tổng thống Mahamat Idriss Déby của Chad ra tuyên bố chung trục xuất quân đội Pháp khỏi hai quốc gia này. Trước đó Mali, Burkina Faso và Niger cũng đã ra lệnh trục xuất quân đội Pháp. Chính phủ các quốc gia trên đều cảm thấy Paris đã đòi hỏi họ quá nhiều.

Việc Burkina Faso trả tự do cho 4 nhân viên tình báo DGSE là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Tổng thống Ibrahim Traoré đang sẵn sàng ngồi lại vào bàn đàm phán. Vậy nhưng điều chắc chắn là cán cân thương lượng giữa các bên đã thay đổi theo như chính lời của Bộ trưởng Ngoại giao Burkina Faso Karamoko Jean-Marie Traoré: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là quyền tự chủ. Burkina Faso đang được lãnh đạo bởi một thế hệ mới với góc nhìn hoàn toàn khác về quan hệ giữa Châu Phi và Pháp”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhan-vien-tinh-bao-phap-duoc-tha-o-burkina-faso--i759860/