Nhân viên trẻ Trung Quốc lười biếng để chống đối sếp
Dưới áp lực của các công ty đặt lên người lao động, giới trẻ xứ Trung đang phản kháng bằng nhiều cách riêng để làm chậm tiến độ công việc.
Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post nói về vấn đề đội ngũ nhân lực trẻ Trung Quốc phản kháng khi nhận được tiền thưởng, mức lương ít hơn mong đợi.
Nhiều người trẻ Trung Quốc đang đặt ra các quy tắc riêng tại công sở bằng việc khuyến khích triết lý lười biếng.
Họ gọi đó là “touching fish” (tạm dịch: bắt cá). Đây là thuật ngữ mượn từ câu tục ngữ có nội dung “đánh cá gặp nạn”. Ý nghĩa ban đầu là bắt cá dưới nước, sau này “touching fish” được dùng chỉ việc đánh bắt hỗn loạn, lợi dụng khủng hoảng để đuổi theo lợi ích cá nhân.
Hiện tại, cụm từ này còn ám chỉ những người lười biếng, không hoàn thành tốt công việc, học tập hoặc khả năng hoạt động nhóm hạn chế.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, xu hướng này trở nên phổ biến khi quốc gia đông dân nhất thế giới phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế và nhiều vấn đề xã hội khác.
Không ít lao động trẻ buông thả bản thân bằng cách từ chối làm thêm giờ, giảm chất lượng công việc, đi vệ sinh thường xuyên và trốn trong đó càng lâu càng tốt, nghịch điện thoại hoặc đọc tiểu thuyết tại nơi làm việc.
Thất vọng về mức lương eo hẹp
Theo SCMP, tình trạng lười biếng của nhân viên được xem là "cuộc nổi loạn âm thầm" nhằm chống lại văn hóa làm việc ngoài giờ khi họ nhận tiền hoa hồng, thưởng ít hơn mong đợi.
Điều này cũng phản ánh nỗi thất vọng về mức lương mà họ tin rằng còn lâu mới đủ để thực hiện ước mơ của mình, chẳng hạn như mua một căn nhà.
“Tôi trốn việc mỗi ngày và hài lòng với điều đó. Tại sao sếp chỉ đưa một xu nhưng lại mong tôi trả công xứng đáng 10 xu cho nỗ lực của mình?”, một người dùng trên Weibo viết.
“Chúng tôi không muốn cố gắng hết sức để làm việc. Thay vào đó, chúng tôi có thể dành thời gian và năng lượng để làm nhiều việc riêng khác. Không phải như vậy tốt hơn là dành tất cả nỗ lực của bạn cho công việc sao?”, dân mạng khác đồng tình.
Massage Bear (người dùng ẩn danh), một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, trở nên nổi tiếng trên Weibo vào năm 2020 khi tích cực quảng bá cách làm việc “touching fish”.
Theo cô, sự chăm chỉ của nhân viên phụ thuộc vào số tiền mà họ nhận được. Nếu làm việc quá hăng say, đôi khi đồng nghiệp của chính người đó cũng sẽ gặp xui xẻo.
“Đừng bao giờ nghiêm túc với công việc của mình. Bởi vì sếp của bạn sẽ thấy rằng bạn có thể làm việc của cả 3 người. Cuối cùng, lương không được tăng lên mà ông chủ còn yêu cầu bạn làm nhiều hơn”, một trong những bài đăng của Massage Bear khẳng định.
Jennifer Feng, giám đốc nhân sự của 51job.com, trang web săn việc làm hàng đầu xứ Trung, cho biết những người trẻ ở độ tuổi 20 thường chểnh mảng trong công việc chủ yếu là do thu nhập thấp hoặc lương không tăng nhiều.
Theo khảo sát của nhóm Feng, mức lương của các công ty Trung Quốc tăng trung bình 2% trong năm 2020. Trong đó, có một nửa doanh nghiệp không tăng lương cho nhân viên. Feng dự đoán tình hình này sẽ tiếp tục tồn tại trong 3 năm tới.
“Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đang nghĩ cách để đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ, chẳng hạn như lướt mạng, ‘thả like’ cho một số cửa hàng trực tuyến hoặc ghi lại các liên kết mua hàng để kiếm được một khoản tiền nhỏ”, Feng nhấn mạnh.
Chán ghét việc bị vắt kiệt sức
Theo Feng, những người sinh ra vào những năm 1970-1980 thường có chung tinh thần làm việc là “chịu đựng gian khổ”, “nhắm mắt cho qua bất công”. Song với thế hệ trẻ ngày nay, điển hình là nhóm người sinh sau năm 1990, lại có triết lý làm việc khác. Họ đặt ưu tiên cho lợi ích cá nhân và một số quyền lợi nhận được.
“Họ dễ dàng bỏ việc nếu không thích hoặc chọn sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ”.
Nhìn chung, người trẻ Trung Quốc chán ghét văn hóa “996” - lịch làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần - được xem là cỗ máy vắt kiệt sức lực, tinh thần của nhân viên, theo SCMP. Đây là tiêu chuẩn chung tại nhiều công ty công nghệ và khởi nghiệp ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo thống kê của trang web Zhaopin với 3.773 người sinh sau năm 1990, thành tích là động lực chính của đội ngũ nhân lực trẻ khi đi làm. Tiếp theo là tiền, mức độ thú vị, mới mẻ mà công việc đó mang lại.
“Sự thay đổi trong tính cách của thế hệ trẻ đã đặt ra những thách thức mới cho người sử dụng lao động, đôi khi là thước đo để kiểm tra khả năng chịu đựng của họ”, Feng bày tỏ.
Feng kể cô từng gặp một cô gái khoảng 20 tuổi xin sếp cho nghỉ phép vài ngày để giải tỏa tâm trạng chán nản sau khi chia tay người yêu. Đây là lý do xin nghỉ hiếm gặp ở những người lao động trong độ tuổi trung niên.
Chờ bị sa thải để hưởng lợi
Nói về cách đối phó với phản ứng của sếp, blogger Massage Bear viết: "Dù bị sếp mắng vì câu giờ hay gọi là rác rưởi, trách tôi không có trách nhiệm, tôi sẽ chỉ mỉm cười và không bao giờ tức giận. Tôi cũng sẽ không bao giờ chủ động từ chức. Nếu bị sa thải, tôi sẽ nhận được khoản bồi thường hậu hĩnh".
Luật Lao động của Trung Quốc quy định rằng nếu một công ty sa thải nhân viên mà không có lý do chính đáng, đơn vị đó phải trả tiền bồi thường cho họ. Thông thường, số tiền này được tính như sau: lương hàng tháng của người đó nhân với số năm họ đã làm việc cho công ty cộng thêm một.
Nhiều công ty đã sa thải những người làm việc kém hiệu quả. Allen He, quản lý cấp cao của một công ty tài chính quốc tế ở Thượng Hải, cho biết sếp anh đã áp dụng cách làm tương tự với người lười biếng.
“Chúng tôi có nhân viên mới hàng năm, một số người thì xuất sắc nhưng cũng có vài người thì ngược lại. Hầu hết chúng ta đều bận rộn trong công việc. Những nhân viên biếng nhác đó sẽ tìm ra khoảng cách ngày càng lớn giữa họ và đồng nghiệp. Cuối cùng, họ sẽ bị đào thải”, Allen nói với SCMP.