Nhân viên trường học có được nhận tiền thưởng NĐ 73, thu nhập tăng thêm không?
Nhân viên trường học là viên chức hoặc hợp đồng vẫn được nhận tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Từ 01/7/2024, với việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu, cộng với giáo viên giữ lại được phụ cấp ưu đãi, thâm niên, được bổ nhiệm lương mới, thăng hạng theo Văn bản hợp nhất 8,9,10,11/VBHN-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên thì thu nhập giáo viên đã cải thiện khá nhiều so với trước đây.
Tuy vậy, còn lực lượng cũng làm trong ngành giáo dục, thực hiện các nhiệm vụ liên quan giáo dục, góp phần giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là nhân viên trường học thì đời sống chưa được cải thiện nhiều, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa đủ sống, họ thường thiệt thòi khi nâng lương, xét thi đua, khen thưởng,..
Hiện nay, các cơ sở giáo dục trong cả nước đang thực hiện chi trả tiền thưởng cuối năm theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, nhân viên trường học quan tâm liệu họ có được thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và thu nhập tăng thêm hay không?
Nhân viên trường học có được thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP không?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người hưởng lương, phụ cấp áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Điều 1 Nghị định này, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019);
b) Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019);
c) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019);
d) Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
đ) Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ);
e) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
g) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân;
h) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
i) Hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Công an nhân dân;
k) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
2. Người hưởng lương quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này (không bao gồm đối tượng hưởng phụ cấp, sinh hoạt phí) thuộc đối tượng áp dụng chế độ tiền thưởng.”
Theo quy định trên, nếu nhân viên trường học sẽ vẫn được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP vì nhân viên trường học sẽ thuộc 1 trong 2 đối tượng sau:
Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019);
Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nhân viên trường học có được nhận thu nhập tăng thêm theo Nghị định 60 không?
Nhân viên trường học là viên chức, được hưởng lương từ ngân sách nên giống như giáo viên vẫn được hưởng thu nhập tăng thêm theo quy chế của đơn vị nếu đơn vị còn kết dư và tùy theo phân nhóm đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, nếu nhân viên trường học công tác ở đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3 hoặc nhóm 4 sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo quy định dưới đây:
Đối với đơn vị nhóm 3 là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên:
Việc chi thu nhập tăng thêm của đơn vị nhóm 3 thực hiện theo quy tại Điều 18 Nghị định 60/2021/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập:
“Điều 18. Phân phối kết quả tài chính trong năm
Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:
1. Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp
a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 20%;
b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 15%;
c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 10%.
2. Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm
a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.”
Theo đó, đơn vị nhóm 3 sau khi kết thúc năm tài chính nếu có phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ thì được trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 có thể dùng để chi tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có).
Đối với đơn vị nhóm 4 là đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:
Theo Điều 22 Nghị định 60/2021/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 56/2022/TT-BTC quy định:
“Điều 22. Phân phối kết quả tài chính trong năm
1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.
2. Đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:
a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;
b) Chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;
c) Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.
Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
3. Thủ trưởng đơn vị quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị.”
Theo quy định trên, đối với đơn vị nhóm 4 sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.
Theo đó, nếu đơn vị nhóm 4 có kinh phí thường xuyên tiết kiệm được thì sẽ được sử dụng số kinh phí này chi theo thứ tự: Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động; Chi khen thưởng và phúc lợi; Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.
Lưu ý: việc chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người.
Theo đó, nhân viên trường học là viên chức hoặc hợp đồng lao động theo quy định trên tại trường học sẽ căn cứ vào đơn vị thuộc nhóm mấy để xác định có được trích lập quỹ để chi trả thu nhập tăng thêm vào cuối năm học.
Tóm lại, nhân viên trường học là viên chức hoặc hợp đồng lao động vẫn được nhận tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.