Nhân viên văn phòng ở TP.HCM làm việc tại nhà vì khó đổ xăng
Mặc dù tình trạng chen chúc ở các cây xăng đã giảm so với 2 ngày trước, một số người dân TP.HCM vẫn quyết định làm việc tại nhà.
Chia sẻ với Zing, Bảo Vi (25 tuổi, quận Tân Bình) cho biết đã phải xin làm việc tại nhà ngày 11/10 vì cả 2 chiếc xe máy của gia đình đã cạn xăng. Việc xếp hàng lâu để được đổ xăng khiến Bảo Vi rất ngại.
“Hôm qua, xe máy của tôi hết xăng nên tôi đi làm bằng xe của mẹ. Đến cuối ngày, cả hai chiếc xe đều cạn xăng vì 2 mẹ con đều không tìm được chỗ đổ thêm”, Bảo Vi kể.
Không chỉ Bảo Vi, một người bạn khác của cô cũng đã xin phép sếp làm việc tại nhà với lý do tương tự.
“Công ty có văn hóa làm việc linh hoạt nên chúng tôi không gặp khó khăn khi làm việc tại nhà, sếp tôi cũng thông cảm cho lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, tôi khá lo lắng nếu tình trạng này kéo dài. Tối nay tôi sẽ xếp hàng để mua xăng, phòng các trường hợp cần đi lại gấp”, cô nói thêm.
Trong khi đó, Quý (27 tuổi, TP Thủ Đức) buộc phải ra ngoài sau một ngày làm việc tại nhà. “Hôm qua, tôi đọc báo và thấy nhiều người xếp hàng chờ rất lâu để được mua xăng nên tôi đã xin sếp làm việc tại nhà để tiết kiệm. Tuy nhiên, sáng nay tôi cần đi gặp khách hàng nên buộc phải ra khỏi nhà”, Quý chia sẻ.
Trên quãng đường đi làm dài 15 km từ TP Thủ Đức đến quận 1, nữ nhân viên văn phòng này luôn trong trạng thái lo lắng vì sợ xe hết xăng.
“Đoạn đi qua Điện Biên Phủ, tôi thấy nhiều cây xăng rất đông người xếp hàng chờ đổ. Vì cần đi gấp nên tôi đánh liều chạy dù kim xăng đã gần chạm vạch đỏ. Rất may mắn tôi đến nơi thuận lợi. Chiều nay tôi sẽ dành thời gian xếp hàng đổ xăng để về nhà vì chắc chắn không thể đi 15 km đường về với số xăng ít ỏi còn lại”, cô nói với Zing.
Ghi nhận của Zing sáng 11/10 tại nhiều cây xăng ở vùng ngoại thành như huyện Bình Chánh, Nhà Bè cũng như các quận trung tâm như quận 4, quận 1 đều cho thấy tình trạng người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ được mua xăng, dù không quá chen chúc như những ngày trước đó.
Anh Hải An (37 tuổi) nói với Zing khi xếp hàng mua xăng lần thứ 3 trong 2 ngày tại trạm xăng ở đường Bến Vân Đồn, quận 4: “Tôi rất chán ngán và mệt mỏi vì mỗi ngày đều phải xếp hàng 30-45 phút mà chỉ đổ mỗi lần được 30.000 đồng”.
Do tính chất công việc kinh doanh phải thường xuyên di chuyển, anh khó sử dụng xe ôm công nghệ mà buộc phải đổ xăng để đi làm. Sáng nay, anh đã dậy sớm để đi đổ xăng nhưng vì dòng người xếp hàng quá đông, anh đành về rồi buổi trưa quay lại. Tuy nhiên, dòng người vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khiến anh tiếp tục phải chờ đợi.
Trong khi đó, một số người thường xuyên đi làm bằng taxi như anh Đỗ Nam (Thảo Điền, TP Thủ Đức) thì chán ngán với cảnh bắt xe. Anh cho biết vào giờ cao điểm buổi sáng, tất cả ứng dụng như be hay Grab đều không thể bắt được xe do nhu cầu quá cao. Trong khi đó, taxi truyền thống cũng ít ỏi và đông khách.
"Sáng 10/10, sau khoảng 30 phút chờ đợi, tôi bắt được một xe công nghệ với giá hơn gần 300.000 đồng để đi vào quận Bình Thạnh, đắt gần gấp 3 so với bình thường. Vì vậy, hôm nay tôi quyết định làm việc ở nhà", anh Nam chia sẻ.
Theo một số tài xế xe công nghệ và taxi, tình trạng thiếu xăng dầu, khó đổ xăng khiến nhiều người không thể chạy xe. Do đó, tình trạng khan hiếm xe trên thị trường ngày càng phổ biến, khách hàng khó bắt xe hoặc phải trả giá cao.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn thành phố có 121 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu. Những cửa hàng này đã đặt xăng nhưng đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng.
Các cửa hàng hết xăng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức và 17/21 quận, huyện. Trong đó, nhiều nhất là TP Thủ Đức (21 cửa hàng), quận 12 (17 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), Củ Chi (14 cửa hàng), Bình Chánh (8 cửa hàng)...
Cập nhật mới nhất có 9 cửa hàng thông báo đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Trong số đó có 3 cửa hàng ở quận Bình Thạnh và 4 cửa hàng ở TP Thủ Đức.
Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải và Công an TP xem xét có phương án tạm thời hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm, tức khung giờ 9-16h và 18-22h, trong giai đoạn 11/10-1/11, nhằm giải quyết vấn đề gián đoạn trong quá trình vận chuyển xăng dầu.