Nhân viên văn phòng Thượng Hải: Tôi đánh răng kế bên sếp, thật khó xử
Giữa lúc Thượng Hải bị phong tỏa, nhân viên tại các ngân hàng, sàn giao dịch và công ty đầu tư đã ăn ngủ ngay tại văn phòng để đảm bảo hoạt động kinh doanh không gián đoạn.
Đại dịch Covid-19 buộc nhiều người phải học cách làm việc tại nhà. Tuy nhiên, tại trung tâm tài chính của Trung Quốc, người ta đang chứng kiến một tình huống ngược lại: Nhiều nhân viên đang phải học “cách sống tại văn phòng”.
Trong khi chính quyền Bắc Kinh tìm cách đối phó với đợt bùng phát dịch mới bằng biện pháp phong tỏa chớp nhoáng và hạn chế di chuyển, một số công ty ở Thượng Hải đã yêu cầu nhân viên ở lại văn phòng suốt nhiều ngày, và thậm chí nhiều tuần, theo Wall Street Journal.
Ăn ngủ tại văn phòng
Zheng Xiangru (28 tuổi), nhân viên Ngân hàng Công thương Trung Quốc, cho biết anh đã ở văn phòng suốt hơn hai tuần.
Công việc của Zheng yêu cầu anh phải có mặt trực tiếp để giải quyết các giao dịch bằng hệ thống nội bộ của ngân hàng. Zheng cũng cho hay anh tình nguyện nhận nhiệm vụ này và đổi lại sẽ nhận được một khoản tiền thưởng.
Tại văn phòng, hàng đêm, anh sẽ ngủ trên một chiếc giường gấp và trùm thêm túi ngủ. Để dễ đi vào giấc ngủ hơn, nhân viên ngân hàng này còn mang theo một chiếc chăn nhỏ màu xanh lam và gối từ nhà. Zheng cũng cho biết anh sẽ chơi nhạc rock và rap ngay tại văn phòng, sau giờ làm việc, như một cách giảm căng thẳng.
Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc với nền kinh tế trị giá 660 tỷ USD, đã cố gắng tránh áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất cho đến gần đây. Hôm 7/4, Thượng Hải công bố số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục, với gần 20.000 trường hợp. So với các nước khác con số này vẫn ở mức thấp, nhưng đây là đợt bùng phát tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ đầu đại dịch.
Chính quyền địa phương đã đóng cửa văn phòng, trường học và phương tiện giao thông công cộng trên khắp khu vực, trong khi một số công ty tìm cách duy trì hoạt động tại trung tâm tài chính.
Kể từ giữa tháng 3, một số ngân hàng, công ty quản lý tài sản và các tổ chức tài chính khác trong thành phố cho biết họ đã chuyển nhân viên đến sống ngay tại nơi làm việc để tránh làm gián đoạn hoạt động.
Một số nhà máy lớn nhất của Trung Quốc cũng áp dụng một hệ thống “bong bóng” khép kín, yêu cầu công nhân làm việc, sinh sống trong một khu vực hạn chế.
Mou Jiahao, 35 tuổi, nhà quản lý rủi ro tại một công ty con của Công ty Chứng khoán Phương Đông có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết anh đã sống tại văn phòng của mình được ba tuần. Công ty anh sẵn sàng trả thêm tiền thưởng cho những nhân viên chịu ở lại.
Mou đã ngủ trong văn phòng, ăn tại căng tin và dần dần thích nghi với việc sống chung với hơn 12 đồng nghiệp khác - những người chủ yếu là nam giới và có thói quen ban đêm khác nhau. Ban đầu, anh còn có thể về nhà chọn quần áo mới cho ngày hôm sau, nhưng giờ đây, việc này đã trở thành bất khả thi khi lệnh phong tỏa được áp đặt rộng rãi.
“Trong thời gian rảnh rỗi, chúng tôi sẽ tán gẫu đủ thứ chuyện”, Mou nói. “Tôi dường như quay lại những ngày còn là sinh viên".
Một phát ngôn viên của công ty cho biết việc xử lý các yêu cầu khẩn cấp của khách hàng từ văn phòng sẽ hiệu quả hơn.
Tương tự, một số nhân viên của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải cũng chuyển đến văn phòng của họ sau khi lệnh phong tỏa thành phố bắt đầu được áp dụng, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin ngày 29/3. Tại sàn giao dịch, các dãy giường tạm thời đã được dựng lên cho nhân viên.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC tại Trung Quốc thông báo trên tài khoản mạng xã hội WeChat rằng một số nhân viên, theo lời kêu gọi của công ty, đã luôn túc trực văn phòng để đảm bảo công việc kinh doanh có thể tiếp tục diễn ra bình thường. Bài đăng có hình ảnh các nhân viên xách vali vào văn phòng.
Đồng nghiệp ngáy to quá sức tưởng tượng
Trong khi một số nhân viên tự nguyện lên kế hoạch sống tại văn phòng, nhiều người khác rơi vào thế bị động.
Yan Yuejin, một nhà phân tích bất động sản ở Thượng Hải, đã bất ngờ bị cách ly cùng với đồng nghiệp trong văn phòng vào đầu tháng 3, sau khi nhà chức trách phát hiện các ca mắc Covid-19 ở khu vực lân cận.
Hơn 2.000 nhân viên làm việc tại ba tòa nhà trong khu vực này đã bị giữ lại ở lại đây trong 7 ngày và được xét nghiệm thường xuyên, anh Yan nói.
“Khoảng 20-21h, mọi người bắt đầu thay dép và đồ ngủ. Sau đó, bạn đứng đánh răng bên cạnh sếp. Thật là tình huống khó xử”, người đàn ông 38 tuổi nói.
Vào ngày đầu tiên bị cách ly, mọi người đều hào hứng chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội, anh Yan nói. Đến ngày thứ 7, những điều đó đã biến mất. Một số đồng nghiệp đã thức dậy sớm từ 5h chỉ để vào văn phòng tắm trước các đồng nghiệp khác.
Jennifer Dong, 26 tuổi, chuẩn bị đi ngủ vào một đêm đầu tháng 3 thì bất ngờ bị triệu tập trở lại văn phòng để cách ly cùng các đồng nghiệp trong hai ngày, sau khi nhà chức trách phát hiện một bệnh nhân Covid-19 làm việc ở tầng dưới.
Tại văn phòng công ty bất động sản, Dong và các đồng nghiệp giải trí bằng cách uống champagne, xem phim và chơi golf bằng đồ dùng văn phòng. Nhưng mọi thứ trở nên kém thú vị hơn khi đến giờ đi ngủ.
“Bạn sẽ phát hiện ra rằng những đồng nghiệp hiền lành và ít nói của bạn có thể ngáy to ngoài sức tưởng tượng”, cô nói.
Trong một số trường hợp, giới chức thành phố sẽ hỗ trợ, phát các gói đồ dùng cần thiết như mặt nạ ngủ, dép nhựa, xà phòng, bàn chải đánh răng và gói đồ lót dùng một lần, theo một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải - người bị buộc phải cách ly hai đêm với khoảng 100 đồng nghiệp.
Đối với Stephanie Sam, một chuyên viên truyền thông ở Thượng Hải, việc mang theo túi đồ dùng cần thiết hàng ngày đã trở thành “bản năng". Lo ngại bản thân sẽ bất chợt bị cách ly, cô luôn mang theo đủ dung dịch kháng khuẩn, khăn lau mặt, sữa rửa mặt và kem đánh răng cho hai tuần. Cô cũng bỏ thêm gói cà phê và dép tông vào túi.
Chú chó của Sam cũng luôn đi theo cạnh chủ, dù ở bất cứ đâu - đến siêu thị, một cuộc hẹn tiêm phòng hay bữa tiệc tối - để đảm bảo rằng họ sẽ không bị chia cắt.
“Rời khỏi nhà giờ như chơi trò chơi may rủi vậy”, Sam nói, nhớ lại những tuần đầu tiên của tháng 3. "Bạn không bao giờ biết bạn sẽ ‘kẹt lại' khi nào và ở đâu".