Nhân viên xe buýt phải đi học văn hóa ứng xử

Tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt phải được đào tạo về văn hóa ứng xử với hành khách, người đi đường.

Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải nhiều bài viết phản ánh về hành vi sai phạm trong ứng xử của nhân viên, tài xế xe buýt với hành khách, người đi đường như “Va chạm, tài xế xe buýt cầm dao đâm tài xế Grab nhập viện”, “Tạm đình chỉ tài xế xe buýt phun nước bọt, ép người đi đường”, “Người đi xe buýt tố bị nhân viên soát vé khinh thường”…

Nhiều bạn đọc đã gửi về tòa soạn các thắc mắc xoay quanh việc đào tạo nghiệp vụ của tài xế và nhân viên xe buýt. Chúng tôi đã đem các thắc mắc này trao đổi cùng ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) TP.HCM.

Phải học văn hóa ứng xử

“Trước khi tham gia hoạt động trên các tuyến xe buýt, tài xế và nhân viên phục vụ phải thông qua lớp tập huấn nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp” - ông Ân cho biết.

Nội dung này được thực hiện theo chương trình khung tập huấn nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải do Tổng cục Đường bộ ban hành. Trong đó có tập huấn kỹ năng giao tiếp với hành khách, bảo vệ hành khách và tài sản của hành khách, cách ứng xử với một số loại hành khách khác nhau…

Ngoài ra, Trung tâm QLGTCC đã phối hợp với các cơ sở đào đạo như Trường CĐ GTVT, Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM để lồng ghép nội dung về văn hóa ứng xử với hành khách, người đi đường, xử lý tình huống trên đường vào chương trình đào tạo cho tài xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt.

Mặt khác, thông qua hệ thống camera trang bị trên xe, Trung tâm QLGTCC chủ động kiểm tra các hành vi sai phạm của nhân viên và tài xế xe buýt như không mở máy lạnh; bỏ trạm không đón khách; có lời nói, thái độ thiếu văn minh, lịch sự với hành khách, người đi đường… nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh.

Một buổi học nghiệp vụ ứng xử của tài xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt. (Ảnh do Trung tâm QLGTCC cung cấp)

Một buổi học nghiệp vụ ứng xử của tài xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt. (Ảnh do Trung tâm QLGTCC cung cấp)

Sẽ có bộ khung đánh giá chất lượng phục vụ

Mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng đối với tài xế, nhân viên có hành vi thiếu văn minh, lịch sự; không hướng dẫn hành khách ngồi đúng vị trí; không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách là người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em lên xuống xe.

Mức phạt cao nhất là 3 triệu đồng đối với các hành vi nhân viên, tài xế hành hung hành khách, người đi đường.

8.100 trường hợp tài xế, nhân viên phục vụ vi phạm đã bị Trung tâm QLGTCC xử phạt trong 10 tháng đầu năm 2019. Trong đó, 25 trường hợp xử phạt thông qua phản ánh của báo, đài, mạng xã hội, trên 8.000 trường hợp Trung tâm QLGTCC tự kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ công việc hoặc buộc thôi việc.

Đơn cử, trong vụ việc tài xế xe buýt TQH trên tuyến 150 có hành vi phun nước bọt, ép xe người đi đường. Trung tâm QLGTCC đã phối hợp với HTX 19-5, đơn vị chủ quản xe buýt tuyến 150 để xử lý, quyết định sa thải và ngưng tiếp nhận lại tài xế Huy trên toàn hệ thống xe buýt ở TP.HCM.

Theo ông Ân, Trung tâm QLGTCC đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng bộ khung tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, khung xử lý các vi phạm về vận tải hành khách công cộng.

Theo đây, bộ khung tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vận tải hành khách công cộng sẽ có nội dung đánh giá và xử lý các hành vi liên quan đến thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ. Dự kiến bộ khung đánh giá sẽ được hoàn thành trong cuối năm 2019. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ ban hành áp dụng trên toàn hệ thống xe buýt thành phố.

Nhân viên soát vé coi thường hành khách bị bắt đi học lại

Mới đây, Hợp tác xã (HTX) Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đã xử lý một nhân viên soát vé phục vụ trên xe buýt số 81 có hành vi coi thường hành khách. Theo đó, nhân viên H. bị buộc ngừng việc phục vụ trên xe buýt từ ngày 15 đến 24-11, tức 10 ngày. Đồng thời nhân viên này bị buộc phải học lại nghiệp vụ tại HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng trong hai ngày. Sau khi kết thúc thời gian học tập, ông H. phải làm kiểm tra và viết cam kết không tái phạm. Nếu ông H. tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý với hình thức buộc thôi việc.

Trước đó, hành khách T. cho rằng mình đi vé tập nên bị nhân viên kiểm soát tên H. coi thường, cầm vé ném vào sọt rác. Tuy nhiên, qua quá trình xác minh cho thấy chiếc sọt bị chị T. phản ánh là sọt rác thực tế là sọt đựng vé xe. Tuy nhiên, ông H. đã có thái độ khinh thường hành khách khi không trả lời và giải thích cho hành khách hiểu rõ nên gây ra hiểu lầm đáng tiếc.

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/nhan-vien-xe-buyt-phai-di-hoc-van-hoa-ung-xu-870816.html