Sáng nay (19/6), nắng nóng gay gắt mở rộng ra hầu khắp các vùng trên cả nước với 34 trạm khí tượng ghi nhận nhiệt độ cao trên 37 độ C. Đây là nhiệt độ trong lều khí tượng, nhiệt độ thực ngoài trời có thể lên đến trên 40 độ C, tuy nhiên, lễ hội đình Chèm vẫn diễn ra. Nghi thức rước nước từ sông Hồng lên đình dưới cái nắng gay gắt, do vậy một số người không chịu được dẫn đến sốc nhiệt phải cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Người cao tuổi được nhân viên y tế che ô để đảm bảo sức khỏe.
Nhân viên y tế trên địa bàn phường Thụy Phương chia sẻ về công tác chuẩn bị cho lễ hội.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống ghi nhận đoàn rước nước trong cái nắng gay gắt.
Lễ hội đình Chèm là một trong những hội lâu đời nhất của người dân Hà thành. Lễ hội diễn ra trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 5 (âm lịch) để tri ân công đức của Ông Trọng.
Đình Chèm là nơi thờ Đức Ông Lý Ông Trọng cùng Đức Bà Bạch Tĩnh Cung và ông Sứ Nguyễn Văn Chất. Đức Thánh Lý Ông Trọng, người đã có công lớn với hai Triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Ông cũng là nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc, khi được cử đi sứ sang nước Tần và giúp vua Tần dẹp yên sự quấy nhiễu của quân Hung Nô.
Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm (phường Thụy Phương, Bắc Từ liêm, Hà Nội) được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc.
Lễ hội có nhiều nghi lễ đặc trưng như lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục (tắm tượng thánh), lễ phóng sinh (thả chim câu).
Thông qua lễ hội, những bậc cao niên mong muốn truyền thụ cho lớp lớp con cháu hiểu sâu sắc hơn về dòng họ, truyền thống lịch sử, chiến công của cha ông, nhằm khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước cho cộng đồng.
Với những ý nghĩa quý báu đó, ngày 17/6/2016, lễ hội đình Chèm đã được Bộ VHTT&DL trao bằng công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tuấn Anh - Trần Trang