Nhân viên y tế ở Vũ Hán phải mặc tã trong ca làm việc
Các nhân viên y tế chiến đấu với dịch virus corona ở thành phố Vũ Hán phải mặc tã để làm việc không nghỉ và bị kích ứng da do đeo khẩu trang, theo một bác sĩ ở tuyến đầu.
"Khi các bác sĩ và y tá ở trong khu đó, mặc quần áo bảo hộ kín mít, "họ không thể ăn, uống hoặc đi vệ sinh", Han Ding, phó giám đốc Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc họp báo tại Vũ Hán, tâm điểm của dịch.
"Họ mặc tã để có thể đi tiểu, và tắm rửa vệ sinh sau khi họ xong ca", South China Morning Post dẫn lời vị bác sĩ.
Bác sĩ Han là một trong hàng trăm bác sĩ được đưa đến từ ngoài Vũ Hán để hỗ trợ cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới. Cho đến nay, virus đã làm tử vong hơn 1.360 người trên toàn thế giới, gần như toàn bộ ở Trung Quốc đại lục. Virus gây ra căn bệnh được gọi là Covid-19 và đã lây nhiễm cho 60.000 người trên toàn cầu đến ngày 12/2.
Các lãnh đạo y tế đã mô tả điều kiện làm việc khó khăn trong cuộc họp cập nhật tình hình hàng ngày của chính quyền tỉnh Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là tỉnh lỵ.
"Mặc đồ bảo hộ vô cùng khó chịu", Ma Xin, phó trưởng khoa tại Bệnh viện Hoa Sơn ở Thượng Hải, nói. "Đôi khi tôi muốn gãi vì ngứa, nhưng chúng tôi hoàn toàn không thể làm điều đó, vì vậy phải chịu đựng".
"Các bác sĩ và y tá của chúng tôi đều có dấu hiệu bị kích ứng và thậm chí có vết tụ máu trên sống mũi. Đây là điều kiện làm việc của họ".
Bác sĩ Han cho biết các nhân viên y tế đã làm việc suốt ngày đêm để chăm sóc những người trong tình trạng tồi tệ nhất. Các y tá làm theo ca, mỗi ca 6 giờ, trong khu hồi sức tích cực, trong khi các bác sĩ làm việc từ 6 đến 8 giờ, dù ca làm việc có thể còn lâu hơn.
"Các bác sĩ và y tá mang đồ lâu đến mức bạn có thể nhìn thấy dấu vết trên khuôn mặt của họ", Zhou Jun, Bí thư đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật tại Bắc Kinh, nói.
Bác sĩ Zhou, người đã được triển khai đến Bệnh viện Đồng Tế ở Vũ Hán, cho biết các nhân viên y tế đang làm tất cả những gì có thể để cứu người, với vật tư hạn chế.
Thiết bị tiên tiến được đưa đến từ khắp nơi trên toàn quốc đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với virus, bác sĩ Ma nói.
"Trong trường hợp không có thuốc đặc trị (đối với virus), máy thở và ECMO vô cùng quan trọng trong điều trị", ông nói, đề cập đến loại thiết bị giúp lưu thông máu bệnh nhân qua phổi nhân tạo.
Mặt nạ phòng độc, máy phổi nhân tạo và các thiết bị khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho tỷ lệ tử vong không gia tăng.
Bác sĩ Zhou cho biết nhóm của ông đã mang theo các thiết bị tiên tiến từ Bắc Kinh, trị giá đến 15 triệu nhân dân tệ (2,15 triệu USD), bao gồm không chỉ máy ECMO mà cả máy thở, màn hình, ống soi phế quản và các thiết bị khác.
"Một số thiết bị trong số này rất đắt tiền, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị cho bệnh nhân", bác sĩ Zhou nói. "Điều quan trọng nhất là giảm tỷ lệ tử vong và tăng tỷ lệ được chữa khỏi".