Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh

Ngày 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Hội nghị được truyền trực tuyến đến các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình (tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk); các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; một số tập đoàn kinh tế, Ngân hàng thương mại Nhà nước; lãnh đạo tỉnh, TP bị ảnh hưởng do bão số 3.

Dự và chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ, bão Yagi là cơn bão lịch sử, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.

 Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu T.Ư. (Ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu T.Ư. (Ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 14/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm hơn 350 người chết, mất tích và 1,9 nghìn người bị thương; hơn 230 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị gẫy, đổ, ngập úng và hơn 300 sự cố đê điều. Tổng thiệt hại kinh tế ban đầu ước tính hơn 31 nghìn tỷ đồng.

Tại Bắc Giang có 2 người chết, 7 người bị thương; hơn 3,2 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; thiệt hại hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp, cây ăn quả; nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn…

Ngay sau bão, công tác khắc phục hậu quả đã được nhanh chóng triển khai. Hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới ở nhiều tỉnh, TP nhanh chóng được khôi phục.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức phát động kêu gọi nhân dân cả nước chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra…. Các địa phương chủ động vận động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, qua đó góp phần giúp đồng bào vùng lũ lụt vơi bớt khó khăn ban đầu.

Tuy vậy, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra hiện gặp khó khăn. Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, T.Ư, các tỉnh, TP đã thông tin, đánh giá về tình hình thiệt hại do bão gây ra, đồng thời kiến, nghị đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành nhiều nhóm giải pháp khắc phục như: Đề xuất miễn, giảm, gia hạn một số loại phí và thuế; khoanh nợ, miễn lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng; tăng quy mô gói tín dụng cho khách hàng vay vốn phát triển lĩnh vực thủy sản, chế biến gỗ.

Tăng cường công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai đến người dân. Sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ các địa phương giúp người dân tái định cư, tái sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

 Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang dành một phút tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang dành một phút tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó với thiên tai từ T.Ư đến địa phương. Các cơ quan, đơn vị đã kịp thời lựa chọn phương án tốt nhất phòng, chống bão với mục tiêu cao nhất nỗ lực bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. T.Ư đã trích ngân sách hơn 350 tỷ đồng; 200 tấn gạo cùng hàng nghìn trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện cứu sinh hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại.

Tuy nhiên, trước sức tàn phá lớn, bão đi qua đã gây nhiều thiệt hại. Đánh giá nguyên nhân chủ quan và khách quan, Chính phủ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

 Đồng chí Nguyễn Văn Gấu phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Gấu phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu UBND tỉnh.

Đó là cần dự báo chính xác tình hình; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả, bám sát tình hình; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực ứng phó triển khai các giải pháp “4 tại chỗ” theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ trong suốt quá trình phòng, chống và khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền cần phải lấy người dân là chủ thể để tập trung triển khai giải pháp, đặt tính mạng người dân lên trên hết, đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kêu gọi nhân dân chung sức tham gia ứng phó.

Đồng chí đánh giá cao, biểu dương các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong công tác phòng, chống bão số 3. Đặc biệt là các lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích và nhân dân đã đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn trong tình huống nguy nan, cấp bách.

Để không người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch, thiếu chỗ ở và các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung cao cho công tác khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân. Kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm tăng trưởng; chống đầu cơ, tăng giá.

Nhiệm vụ, giải pháp mang tính cấp bách hiện nay là tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân bị mất nhà, hư hỏng...

Sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, đưa học sinh đến trường. Tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, giải quyết chính sách theo quy định với các đối tượng; cứu chữa người bị thương do mưa bão gây ra.

Khẩn trương thực hiện tái định cư cho những gia đình bị mất nhà, mất đất, chậm nhất đến 31/12/2024, tất cả gia đình bị trôi nhà, mất nhà, mất đất phải có nhà ở bảo đảm 3 cứng: Nền, móng, mái cứng. Trong tháng 9 này, tất cả học sinh đều được đến trường.

Để khôi phục sản xuất kinh doanh, đồng chí yêu cầu các ngành, doanh nghiệp và chính quyền rà soát, triển khai các cơ chế chính sách tín chấp bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho người dân vùng lũ.

Quan tâm hỗ trợ giống cây, con, phương tiện, vật tư giúp bà con tái sản xuất. Khôi phục lại hoạt động của các loại hình dịch vụ, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Lĩnh vực giao thông vận tải, xem xét giảm giá cước vận tải; chú trọng điều tiết nước các hồ thủy lợi hợp lý bảo đảm xả lũ đi đôi với tích nước phục vụ sản xuất.

Các ngân hàng có chính sách giãn, hoãn nợ; bảo đảm an ninh tiền tệ đồng thời chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ gợi ý các ngân hàng nghiên cứu triển khai gói lãi suất “0 đồng”. Áp dụng biện pháp khoanh giảm, hoãn đóng góp các khoản thuế, phí.

Đồng chí lưu ý các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tiếp tục kêu gọi tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, đoàn kết trên dưới một lòng cùng nhau vượt qua khó khăn.

Sau khi kết thúc hội nghị toàn quốc, tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung cao một số nhiệm vụ. Trước mắt là khắc phục tư tưởng chủ quan bởi diễn biến thời tiết rất khó lường.

Ngành Nông nghiệp bám sát tình hình mưa lũ, giao cho các đơn vị đánh giá lại toàn bộ hệ thống đê điều; xác định các khu vực, điểm nguy cơ cần quan tâm khắc phục. Khẩn trương bơm tiêu úng cứu lúa, chống úng khu công nghiệp; nhanh chóng hướng dẫn nhân dân khôi phục lại sản xuất, nhất là những vùng bị ngập lụt.

Đối với ngành Giao thông - Vận tải cần khẩn trương tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông; kiểm tra rà soát hệ thống biển báo, cánh báo tín hiệu bảo đảm an toàn. Tại những khu vực ngầm tràn, cần phối hợp với địa phương có giải pháp xử lý trước mắt giúp người dân đi lại.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành đề xuất với tỉnh giải pháp hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Các ngành: Y tế, Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm kiểm tra, xử lý vấn đề y tế, môi trường ở các vùng từng bị ngập úng. Tham mưu, xây dựng bản đồ các khu vực sạt trượt để kịp thời cảnh báo, theo dõi và có giải pháp cảnh báo.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học để đưa học sinh đi học trở lại.

 Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh.

Các ngành chức năng căn cứ nhiệm vụ tiếp tục huy động lực lượng giúp người dân vùng lũ dọn dẹp nhà cửa, trụ sở cơ quan, đơn vị, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; cung ứng đầy đủ điện, nước, thông tin liên lạc. Tăng cường kiểm soát, không để đầu tư tích trữ, tăng giá; hàng giả, kém chất lượng len lỏi trên thị trường.

Tiếp tục nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là những nơi bị thiệt hại, qua đó thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp về nhà ở, lao động, việc làm, ưu đãi về thuế, vốn vay ưu đãi để kịp thời hỗ trợ.

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh nắm dư luận trên mạng xã hội, xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng lụt bão đưa tin không chính xác. Các đơn vị viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc. Khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống lụt bão.

Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục tuyên truyền công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, giúp nhân dân ổn định đời sống, tạo sức lan tỏa hình ảnh con người Bắc Giang mạnh mẽ, kiên cường, đưa tỉnh sớm vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển KT - XH.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh, đến thời điểm này, nước trên 3 sông đang rút, cơ bản tình hình đê điều, hồ đập trên đã an toàn. Công tác cứu trợ các vùng ngập lụt được triển khai kịp thời.

Những ngày qua, nhiều đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, quân khu về kiểm tra, chỉ đạo, động viên cấp ủy, chính quyền và nhân dân các vùng lũ lụt.

Theo báo cáo của MTTQ tỉnh, đến nay kinh phí các cơ quan, đơn vị đăng ký ủng hộ: 37,8 tỷ đồng, trong đó tổng số kinh phí đã tiếp nhận toàn tỉnh khoảng 15,5 tỷ đồng, khoảng 32 tấn gạo và khoảng 60 nghìn thùng hàng hóa, đồ dùng các loại.

Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão các cấp; các cơ quan trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang của tỉnh và của bộ đóng trên địa bàn; nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức đồng lòng, đoàn kết, thống nhất vượt qua bão lũ.

Những hình ảnh cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang không quản nguy hiểm, ngày đêm bám cơ sở chỉ đạo chống bão lũ, nhân dân các địa phương tích cực tham gia chống bão lũ, xử lý sự cố đê điều, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng.

Tình hình thời gian tới còn khó khăn, đồng chí yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, các địa phương tiếp tục tập trung cao; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó lưu ý: Không được chủ quan, lơ là, tiếp tục duy trì các lực lượng chỉ huy, chỉ đạo, bám sát diễn biến tình hình để có chỉ đạo cụ thể, kịp thời cho đến khi mực nước tất cả các sông, hồ đập về mức bình thường.

Tiếp tục đề cao, quán triệt sâu sắc phương châm bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân là trước hết và trên hết, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, doanh nghiệp.

Tăng cường rà soát, kiểm tra, gia cố các điểm đê, công trình xung yếu trên địa bàn; có phương án cụ thể, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết; kịp thời xử lý các điểm xung yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đặc biệt lưu ý các cống ngầm, trạm bơm, tìm ngay phương án bơm tiêu không để ngập úng các khu vực trọng điểm, khu công nghiệp.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực hỗ trợ cho các địa bàn còn đang bị cô lập, ngập úng. Tiếp tục có biện pháp cung cấp nước sạch, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói.

Qua kiểm tra thực tế, hiện có nhiều đoàn cứu trợ đến cùng một địa điểm, hàng hóa, lương thực thực phẩm mang đến nhiều, đồng chí chỉ đạo các ngành, địa phương cần có chỉ đạo để điều tiết, phân phối cho địa phương khác có nhu cầu. Đồng thời phải bố trí lực lượng tiếp nhận, công khai, minh bạch và thể hiện sự trân trọng, cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã có nghĩa cử cao đẹp.

Khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các vùng ngập lụt nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường, nhà cửa đến đó. Ngành Y tế và ngành Nông nghiệp sẵn sàng phương án để ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra, có biện pháp giúp dân khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường sau bão lũ.

Tiếp tục tìm mọi biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân chăm sóc, phục hồi các diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị úng ngập, nhanh chóng khôi phục sản xuất; lấy sản xuất ngắn ngày để bù vào thiệt hại năng suất, sản lượng sụt giảm do bão lũ.

UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo thống kê thiệt hại do bão lũ, báo cáo bảo đảm trung thực, khách quan, đầy đủ để đề nghị T.Ư hỗ trợ và phân bổ các nguồn lực của tỉnh cứu trợ.

Tăng cường khen thưởng, động viên các trường hợp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục các sự cố về đê điều, thủy lợi trong bão lũ.

Tin, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhanh-chong-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-on-dinh-doi-song-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-162300.bbg