Nhanh chóng khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh

Khoảng 10 giờ 15 phút ngày 21/5, trong khi tàu công trình đang triển khai gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên), bất ngờ một lượng đất đá từ nóc hầm sụp xuống, ước tính khoảng 30 m3. Sau đó, hầm này tiếp tục sạt lở với khối lượng lên đến 50 m3. Giao thông đường sắt bắc-nam đoạn từ ga La Hai đến Chí Thạnh bị tê liệt hoàn toàn.

Các đơn vị thi công ngành đường sắt nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên).

Các đơn vị thi công ngành đường sắt nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên).

Theo tính toán, khối lượng đất sạt lở của hầm đường sắt Chí Thạnh lên đến khoảng 260m3 và phạm vi hố sụt rộng hơn nhiều so với sự cố hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) trước đây, nên khối lượng công việc phải xử lý khắc phục lớn hơn rất nhiều. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố này nhằm thông hầm trong thời gian sớm nhất.

Những ngày qua, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh thường xuyên có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Đến sáng 26/5, các đơn vị liên quan hốt dọn còn khoảng 80m3 đất sạt lở trong hầm đường sắt và dự kiến thông hầm trong ngày 26 hoặc ngày 27/5 thì một lượng lớn đất đá lại tiếp tục sạt lở xuống, bịt kín một đoạn hầm. Kế hoạch dự kiến thông hầm ban đầu phải lùi lại.

Tập đoàn Đèo Cả đưa máy móc hiện đại vào hiện trường khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh.

Tập đoàn Đèo Cả đưa máy móc hiện đại vào hiện trường khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, ngày 23/5, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu đã đến kiểm tra tại thực địa và chỉ đạo khắc phục sự cố. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, các cơ quan tư vấn, chuyên gia đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở ở hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh có nhiều điểm tương đồng. Cả hai hầm có kết cấu bê-tông vỏ hầm đã xuống cấp; địa chất là đá phong hóa mạnh đến phong hóa hoàn toàn thành cát lẫn sỏi phía sau vỏ hầm. Thời điểm thi công, khu vực miền trung xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm nước thấm sâu vào, gây phân rã liên kết đất đá, tăng áp lực lên kết cấu vỏ hầm cũ. Tại các vị trí hầm đường sắt bị sạt lở, đều có đường bộ trên đỉnh hầm, nhiều xe chở vật liệu tải trọng nặng lưu thông, tác động thêm gây sạt lở.

Trước hiện tượng sạt lở khó lường, Ban Quản lý dự án 85, đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo hầm đường sắt đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ khắc phục sự cố. Sau khi kiểm tra hiện trường, thống nhất giải pháp với đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư, ngay trong đêm 26/5, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị (trong đó có một máy khoan, hai máy phun) và 40 nhân sự dày dạn kinh nghiệm đến tăng cường khắc phục sự cố, phấn đấu thông hầm vào trưa 30/5. Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị bố trí một mũi thi công chủ đạo theo hướng nam-bắc, thay ca nhau làm việc liên tục 24 giờ trong ngày.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung huy động nhân lực, phương tiện nhanh nhất; có giải pháp sáng tạo xử lý khắc phục phù hợp thực tế; bảo đảm an toàn cho cán bộ, kỹ sư và công nhân tham gia khắc phục cũng như tính an toàn, bền vững tuyệt đối của công trình hầm sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác trở lại.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-trong-nuoc/202405/nhanh-chong-khac-phuc-su-co-sat-lo-ham-duong-sat-chi-thanh-5d03e15/