Nhanh chóng phục hồi chuỗi sản xuất
Trong những ngày này, hơn bảy nghìn công nhân Tổng công ty may Bắc Giang (LGG) đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác gia công cho nhãn hiệu Uniqlo Nhật Bản. Nhà máy thực hiện quy trình 3 tại chỗ theo quy định.
Tổng Giám đốc Lưu Tiến Chung cho biết ngay từ khi Bắc Giang trở thành điểm bùng phát dịch, nhà máy đã chủ động nhanh chóng xây dựng các quy trình bảo đảm chống dịch an toàn cho người lao động và xây dựng các phương án thích ứng với mọi tình huống dịch bệnh bùng phát. Do đó khi địa phương kiểm soát được vùng dịch, nhà máy cơ bản là một thành trì vững chắc cho hoạt động sản xuất và được duy trì đều đặn bảo đảm tiến độ sản xuất cho các đơn hàng đã ký và "cứu" được nhiều đơn hàng của các địa bàn khác bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến nay doanh thu của đơn vị này tăng trưởng hơn 20% so với năm trước. Đây có thể nói là một trong những điểm sáng trong bức tranh của nền kinh tế vốn bị tác động nặng nề của dịch Covid nhất là các địa phương ở phía nam.
Tinh thần cũng như điều kiện để duy trì các hoạt động sản xuất như ở LGG có thể nói là thuộc số ít, còn phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn.
Để duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều mô hình, trong đó đáng chú ý là mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong hoàn cảnh dịch bệnh. Một trong những điển hình làm tốt là Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam đã duy trì mô hình tổ an toàn Covid giữ vững hoạt động cho hơn 700 người lao động trong suốt thời gian dịch diễn biến phức tạp. Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, với mô hình vùng xanh doanh nghiệp theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động thành phố, công ty có 60 người làm việc 3 tại chỗ, 100% người lao động được xét nghiệm hằng tuần, 95% người lao động được tiêm vaccine mũi 1 và 5% được tiêm vaccine mũi 2. Cùng với đó, công ty bỏ quy định bàn giao giữa 2 ca trực tiếp. Các ca làm việc không gặp nhau, ca trước về hết, ca tiếp theo mới vào; những vị trí nào có thể ăn tại chỗ thì sẽ nhận hộp cơm, không ăn tập trung. Theo ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc Công ty ABB Power Grids Việt Nam, việc thực hiện giãn cách đã khiến quy mô hoạt động của đơn vị giảm 20-25%. Tuy nhiên, công ty vẫn bảo đảm không người lao động nào bị giảm lương, kể cả những người không đến Hà Nội làm việc được do thực hiện giãn cách.
"Thủ tướng Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo các địa phương tùy tình hình cụ thể, nhanh chóng chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Tại khu vực phía nam, hiện nay các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, những cái nôi sản xuất công nghiệp lớn cũng đang rốt ráo lên phương án để đưa người lao động quay trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Tỉnh Bình Dương yêu cầu người lao động trước khi vào nhà máy sản xuất phải được xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng test nhanh (hoặc bằng PCR), có kết quả âm tính vào ngày thứ nhất và ngày thứ tư. Khi vào công ty phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ ba. Lúc này người lao động mới được tham gia sản xuất. Đồng thời, 100% công nhân, người lao động tham gia sản xuất phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày. Đối với doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện nghiêm 5K trong thời gian tổ chức sản xuất. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cần test nhanh 7 ngày/lần cho người lao động. Ngoài ra, Sở Y tế Bình Dương còn yêu cầu truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, cách ly tạm thời, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định; nếu kết quả PCR âm tính mới quay trở lại sản xuất bình thường. Nếu kết quả PCR dương tính, tạm thời phong tỏa phân xưởng khu vực hay toàn công ty và thông báo cho trung tâm y tế để có hướng xử lý. Còn đối với công nhân, người lao động trước khi rời công ty về nơi ở phải thực hiện test nhanh Covid.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết hiện nay tất cả hàng hóa, người đi lại từ vùng đỏ, vàng về vùng xanh đều được xét nghiệm miễn phí ngay tại cửa ngõ các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp. Các nhà máy có quy mô lao động lớn yêu cầu phải xây dựng trạm y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
"Không chỉ ba tại chỗ (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ), doanh nghiệp còn ba cùng (cùng đoàn kết, cùng trách nhiệm, cùng thực hiện)
Là một trong số ít đơn vị đủ điều kiện thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" của quận Bình Thạnh, hiện tại Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GILIMEX) đang hoạt động sản xuất tốt, đơn hàng xuất, nhập vẫn nhịp nhàng theo kế hoạch. Đó là nhờ GILIMEX đã chủ động thực hiện phương châm "3 cùng", trong đó chủ doanh nghiệp, công đoàn, người lao động cùng đoàn kết, cùng trách nhiệm, cùng thực hiện nhằm chung tay bảo vệ doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19...
Giám đốc GILIMEX Phạm Văn Tàu chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu, công ty đã lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gồm Ban giám đốc, trưởng các bộ phận, ban quản đốc và các anh chị tổ trưởng, chuyền trưởng sản xuất cùng tham gia với Ban Chỉ đạo, liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh. Ban chỉ đạo thường xuyên họp đề ra phương án theo quá trình phát sinh của dịch bệnh để có hướng xử lý tốt nhất, tránh việc lơ là, chủ quan".
Chủ tịch Công đoàn GILIMEX Đào Sĩ Trung chia sẻ: "Xác định từ đầu làm việc theo phương án "3 tại chỗ", Ban giám đốc công ty đã động viên tinh thần người lao động là phải chiến đấu lâu dài. Tạm gác lại việc nhà, lo lắng dịch bệnh xâm nhập, tất cả mọi người đều quyết tâm cao hơn mỗi ngày. Công đoàn công ty tổ chức hỗ trợ, chăm lo tốt cho đoàn viên, công nhân lao động, còn người lao động xem doanh nghiệp như một mái nhà. Nếu không kiên trì, đoàn kết thành một khối, doanh nghiệp sẽ bị "vỡ trận" bất cứ lúc nào".
Bắt tay thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" tại nhà máy, Ban chấp hành Công đoàn cùng lãnh đạo công ty đã họp bàn với công nhân, cho họ phương án lựa chọn: một là khi nào hết dịch bệnh mới được về hoặc là khi có nguyện vọng trở về, công nhân phải báo lãnh đạo doanh nghiệp sắp xếp. Trước đó, toàn bộ công nhân được xét nghiệm Covid-19. Sau khi có kết quả âm tính, mọi người được công ty sắp xếp vào làm việc. Các vật dụng cá nhân mang vào công ty được khử khuẩn toàn bộ, tránh tình trạng mầm bệnh từ các khu nhà trọ, dân cư. Công ty đã chuẩn bị thêm đồ dùng cá nhân như: mùng cá nhân, chiếu đệm, chăn ga, xô, chậu, bột giặt, có cả đồ dùng vệ sinh phụ nữ... bố trí thêm nhà vệ sinh công cộng và máy uống nước nóng lạnh để tiện sử dụng.
"Trường hợp công nhân muốn về nhà, công ty sẽ mời cơ quan y tế đến xét nghiệm, nếu âm tính mới được trở về và phải cách ly y tế tại nhà theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Đa số công nhân chỉ xin về khi gia đình có việc khẩn, còn lại vẫn đang an tâm làm việc" - ông Đào Sĩ Trung cho biết.
Còn nhiều khó khăn
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nhất là ở các tỉnh phía nam, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm công suất tối đa, thậm chí là đóng cửa tạm thời do không đáp ứng được yêu cầu phòng dịch của chính quyền địa phương, đặc biệt là yêu cầu bố trí sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".
Một số doanh nghiệp hiện đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhằm bảo đảm tiến độ các đơn hàng đã ký kết, tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể bảo đảm sản xuất trong dài hạn. Ðồng thời, nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi phục hồi kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động... đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư. Việc buộc phải thích ứng với tình hình mới, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh cần được ưu tiên và nỗ lực thực hiện lúc này.
"Cần có chính sách nhất quán và liên kết chặt chẽ
Thời gian qua dư luận xã hội bức xúc về việc mỗi địa phương áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch khác nhau dẫn đến ảnh hưởng tới việc vận chuyển lưu thông hàng hóa dịch vụ giữa các vùng miền. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, khắc phục các tác động của dịch bệnh Covid-19, các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, cần bảo đảm có thể triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng. "Các địa phương cần chú trọng đánh giá toàn diện, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp về vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng. Bởi lẽ, nếu vấn đề này được làm tốt, các địa phương sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Theo các chuyên gia, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.
Đại diện Eurocham nhận xét khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam. Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình. Yêu cầu các nhà máy đóng cửa quá lâu buộc các doanh nghiệp phải tính toán sẽ tiếp tục giữ đơn hàng ở lại hay chuyển dần đi vì không có gì đảm bảo kết quả sau một hai tháng sẽ được cải thiện nếu không có sự vào cuộc và hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Đại diện Bộ Công thương cho biết trong ngắn hạn, ưu tiên của Bộ vẫn là phối hợp với các bên liên quan để đưa ra được các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa thuận lợi, hàn gắn, kết nối loại chuỗi cung ứng.
Trong dài hạn, trọng tâm vẫn là những gì mà Bộ đã và đang triển khai, đó là hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp phát huy tiềm năng, vai trò huyết mạch của nền kinh tế; hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước, tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, để ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII.
Kinh nghiệm của Hà Nội
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, trong tháng 8/2021, đơn vị thực hiện thủ tục giải thể cho 244 doanh nghiệp; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân được xác định do hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều khó khăn. Cụ thể, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ do khâu lưu thông, vận chuyển khó khăn, thiếu nguyên vật liệu; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Những khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể bảo đảm nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ðể giải quyết vấn đề này, TP Hà Nội đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, UBND thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.
Các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng được TP Hà Nội đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 8/2021, gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NÐ-CP của Chính phủ. Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh; thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kinh-te/nhanh-chong-phuc-hoi-chuoi-san-xuat-675218/