Nhanh chóng triển khai Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024
Năm 2024, thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đó là tập trung xây dựng và tham gia xây dựng các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội như: Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi) - đạo luật mang tính chính trị, pháp lý cao, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan đề nghị và chủ trì soạn thảo.
Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu Xuân mới Ất Tỵ, sáng 5/2, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Hội nghị được tổ chức ở cấp toàn quốc, trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 100 điểm cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động; là trách nhiệm của toàn hệ thống, là nhiệm vụ thường xuyên để chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, việc Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đã tạo hành trang pháp lý quan trọng để cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong đó, nắm vững những quy định của Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội và sớm có hành động thiết thực, cụ thể để đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống là nhiệm vụ của mỗi cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn các cấp.
Do đó, ngay từ những ngày đầu Xuân, Hội nghị đã được tổ chức quán triệt, triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn về nội dung Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024; thể hiện vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn trong việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật được triển khai kịp thời, hiệu quả trên thực tế.
Nhằm ghi nhận những thành tích đóng góp của các tập thể, cá nhân trong công tác xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn tặng 5 tập thể và 38 cá nhân.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, trong quá trình xây dựng và tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, nhất là Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền trong việc lắng nghe, ghi nhận những nguyện vọng, kiến nghị của người lao động; Phản ánh kịp thời thực tiễn đời sống công nhân lao động và hoạt động công đoàn vào trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật; sự tham gia trách nhiệm của các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động cả nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các đạo luật quan trọng trên.
Nhiều kiến nghị, đề xuất của người lao động, tổ chức công đoàn đã được tiếp thu, ghi nhận và thể hiện trong các dự án Luật.
Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật: Mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động; mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn; quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể.
Ngoài ra, quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 với nhiều thay đổi lớn và bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia. Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; thay đổi quy định hưởng chế độ ốm đau; bổ sung chế độ thai sản và chế độ tai nạn lao động vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung...
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm...