Một thập kỷ kiểm soát tốt, 'bóng ma' lạm phát năm 2025 có đáng lo?
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, mục tiêu kiểm soát lạm phát với tốc độ tăng CPI bình quân 4,5% năm 2025 cần thận trọng trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới phức tạp, tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra các cú sốc lạm phát.
10 năm liên tiếp kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Đặc biệt, đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4%, điều này đã đóng góp tích cực vào sự ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào đồng nội tệ và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Cột 1
Năm 2015
0,63
Năm 2016
2,66
Năm 2017
3,53
Năm 2018
3,54
Năm 2019
2,79
Năm 2020
3,23
Năm 2021
1,84
Năm 2022
3,15
Năm 2023
3,25
Năm 2024
3,63
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, có ba lý do chính giúp Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát hơn một thập kỷ.
Đó là, tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014-2023 chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 27,1% giai đoạn 2004-2013.
Bên cạnh đó, lãi suất giai đoạn 2014-2024 luôn được duy trì thực dương, trung bình ở mức 3,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2004-2014 là 0%/năm.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2014-2024 cũng được duy trì ổn định hơn so với giai đoạn 2004-2014. Nếu tốc độ giảm giá của VND so với USD trong giai đoạn 2004-2014 ở mức trung bình 2,9%/năm thì trong giai đoạn 2014-2024 đã giảm xuống còn 1,6%/năm.
Có thể xảy ra các cú sốc lạm phát
Năm 2025, Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát với tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu này không khó, nhưng phải thận trọng bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra các cú sốc lạm phát, tác động tới lạm phát trong nước.
Ông Lâm dẫn chứng báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, cảnh báo sẽ có nhiều yếu tố bất ổn và khó lường đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm các cuộc xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị, đồng USD mạnh lên quá mức và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc.
"Lãi suất đồng USD mạnh lên quá mức sẽ khiến áp lực vay nợ và áp lực tỷ giá tại các quốc gia mới nổi tăng nhanh", ông Lâm nói.
Đáng chú ý, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại, gây ảnh hưởng đến giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng, gây mất ổn định an ninh năng lượng, lương thực. Biến động giá hàng hóa thế giới tác động tới lạm phát của Việt Nam - nền kinh tế có giá trị nhập tư liệu sản xuất chiếm trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đặc biệt, chính sách thuế quan của Mỹ có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các quốc gia, thúc đẩy thực thi chính sách bảo hộ thương mại sẽ gia tăng căng thẳng thương mại quốc tế, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mầm mống gây nên một đợt lạm phát mới, tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.
Ở trong nước, nhiều yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát năm 2025. Như là, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao; giá điện biến động theo chiều hướng tăng khi gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng...
Bên cạnh đó, các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công cũng tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý...
Giải pháp nào kiểm soát?
Trước thực tế này, theo TS Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý để ngăn ngừa áp lực lạm phát do cung tiền và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục.
Còn với doanh nghiệp, cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt trong ngắn hạn để có giải pháp bổ sung kịp thời, cắt giảm chi phí sản xuất.
Đối với các loại nguyên vật liệu thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.