Nhanh chóng xử lý khẩu trang bị thu giữ để sớm đưa trở lại lưu thông
Mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng, diệt khuẩn là mặt hàng thiết yếu trong thời điểm bùng phát dịch. Vì vậy, những mặt hàng này bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng xử lý và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Tổng cục QLTT tiếp tục có văn bản chỉ đạo hướng dẫn công tác xử lý hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính đối với hàng hóa là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn.
Cụ thể, về quy trình xử lý, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm các mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn đang diễn ra trên cả nước, để nhanh chóng xử lý đưa số hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ ràng thông tin về tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch của nhân dân, Tổng cục QLTT đề nghị các đơn vị vận dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Thông tư số 173/2013/TT-BTC) để xác định và thực hiện quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.
Về vấn đề này, ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT – tại buổi làm việc với Cục QLTT Điện Biên ngày 7/2 - cũng cho rằng, quy trình xử lý số khẩu trang này phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhưng cần nhanh chóng xử lý để khẩu trang sớm đến tay người tiêu dùng. "Trong tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, khẩu trang mà đến đúng tay người cần có thể cứu một con người” – ông Hoàng Ánh Dương nhấn mạnh.
Được biết, tính từ ngày 31/1 - 7/2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.206 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát trùng, sát khuẩn trên địa bàn cả nước. Trong đó, tính riêng ngày 7/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 242 đơn vị kinh doanh thiết bị y tế, các hiệu thuốc trên địa bàn cả nước. Qua đó, phát hiện và xử lý 63 đơn vị vi phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước 82.000.000 đồng. Đồng thời tạm giữ: 370.790 khẩu trang các loại.