Nhành mai ngày ba mươi Tết
Ngày đó, trước sân nhà tôi trồng nhiều mai lắm. Có dễ chừng hơn 20 cây mai tơ mọc rải rác quanh sân không hàng lối. Chẳng riêng gì gia đình tôi mà hầu như nhà nào trong vườn cũng trồng mai để khoe sắc ngày Tết. Lúc ấy tôi chỉ là thằng bé Tiểu học nhưng vẫn còn nhớ cái cảnh cả nhà xúm nhau đi tước lá mai. Cứ tầm 15 tháng Chạp là ông nội bảo mọi người chuẩn bị ghế đẩu mang ra sân nhà. Ông nội không cần phân công mà mọi người tự giác làm việc. Nhờ sự đoàn kết, chỉ thoáng chốc, dễ chừng hai mươi cây mai đã được tước sạch lá. Do tôi còn nhỏ, với không tới nhành mai cao nên được nội chỉ định gom lá vào gốc mai. Lá mai sau vài ngày nắng sẽ khô dần, trở thành phân hữu cơ tươi tốt.
Không giống như nhiều hộ gia đình khác trồng mai chỉ để thưởng hoa. Nội trồng vì yêu mai là phụ, bán là chính. Nhà hồi đó nghèo lắm, lại đông con nên ông bà nội làm quần quật mãi mà chẳng có dư. Cuối năm, gia đình chỉ trông chờ vào những cây mai để có tiền sửa sang trong nhà, chi tiêu thực phẩm, cho các cháu có quần áo mới,... Tầm 26, 27 Tết, mai nhú nụ, trông rất đáng yêu. Thời gian này đem mai đi bán được rồi. Hồi đó, thương lái không vào vườn thu mua như bây giờ, mà chủ cây phải tự mang ra chợ bán. Đi bộ cả ba cây số mới đến chợ, cực khổ lắm nhưng phải chịu.
Nội dùng con dao bén đã mài sẵn, mang chiếc ghế ra sân cắt những nhành mai đẹp, nụ sắp bung đem bán. Rồi huy động các chú, cô lũ lượt ôm một bó nhành mai phụ ông đem ra chợ. Tôi thì rảnh tay, lon ton theo sau nội. Con đường quê vào buổi sáng ngày cuối năm càng đẹp thêm, lộng lẫy hơn bởi cả hàng dài người ôm mai, vạn thọ, cúc, phát tài ra chợ. Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ khó khăn phải đem nhánh của loài hoa thiêng liêng này ra chợ phục vụ cộng đồng. Ra đến chợ, nội chọn một góc ở khu gian hàng hoa, cắm nhành mai vào chiếc xô cho đỡ mỏi tay. Dù vậy, các cô và chú tôi vẫn phải ôm vì chỉ mỗi một chiếc xô nhỏ không để hoa hết. Vài người có xe đạp, họ buộc mai nằm thuôn dài ở yên sau trông như cô công, cô phụng đang khoe dáng đỏng đảnh. Do ngày Tết ai cũng trưng mai trên bàn thờ gia tiên nên chỉ thoáng chốc thôi, nội đã bán sạch mấy chục nhánh mai lớn nhỏ. Cả nhà kéo nhau ra về trong niềm hân hoan, rồi lại tiếp tục cắt mai để bán chợ chiều cho đến ba mươi Tết.
Có những năm thời tiết thất thường, mai nở trước ngày, vàng cả góc sân, làm ông nội buồn lắm. Mà không riêng gì ông, ai cũng thở dài thườn thượt, mặt bí xị vì không biết lấy tiền đâu mua sắm trong nhà. Thế là bà nội phải chạy vạy mượn tiền để cho có cái Tết. Bởi quan niệm người già, làm gì làm, chứ Tết đến phải có mỗi thứ một ít cho không khí ấm cúng. Buồn đó rồi vui đó. Nội lạc quan tin vào một ngày mai tươi sáng. Mai như hiểu được lòng người, qua năm sau khoe sắc đúng ngày, mang về nguồn thu không nhỏ cho gia đình tôi.
Dù bán hết mai nhưng bao giờ cũng thế, ông nội tôi chừa lại một nhành đẹp nhất trên cây và đúng ngày ba mươi Tến mới cắt xuống đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Ông bảo: “Làm gì thì làm cũng phải trang hoàng cho bàn thờ gia tiên chỉn chu. Mai là biểu tượng của may mắn, phú quý, sung túc nên phải trưng cho đủ lễ”. Nhờ mai khoe sắc bất tử đã nuôi sống gia đình tôi, lo cho con cháu ăn học nên người. Những năm tháng vất vả ấy rồi cũng qua đi. Giờ nhà tôi không còn chạy nợ từng ngày như trước nữa. Nhớ ơn những cành mai, ba tôi không còn cắt bán mà để giữ làm kỷ niệm. Những gốc mai dáng đẹp, có tuổi đời hơn cả tuổi tôi được thương lái định giá rất cao nhưng ba không bán. Ba bảo: “Tham tiền mà làm thế thì có tội với Tổ tiên, nhất là với ông nội các con, một người rất yêu hoa mai”. Duy trì từ thời ông nội, ba tôi vẫn giữ lại một cành mai đẹp nhất để ngày ba mươi Tết trưng lên bàn thờ ông bà. Đứng trước di ảnh của người đã khuất, mỗi thành viên thầm cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho sức khỏe, may mắn, hạnh phúc đến với cả nhà.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202001/nhanh-mai-ngay-ba-muoi-tet-754574/