Nhập 44.000 tấn phế liệu chỉ với 1 chứng nhận giả?
Một số doanh nghiệp liên tục tái phạm nhập lậu phế liệu song chỉ bị xử phạt hành chính từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Theo cơ quan chức năng, mức phạt hiện nay sẽ không có tác dụng răn đe.
Ngày 17-7 vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Đức Đạt (huyện Yên Khánh, Ninh Bình).
Sử dụng giấy tờ giả
Tiền Phong dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan cho biết lực lượng hải quan xác định từ ngày 21-7-2017 đến 22-11-2017, Công ty Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và các văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình.
Các giấy tờ này sau đó được công ty này nộp cho các chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I và khu vực III (Cục Hải quan TP.HCM) để đăng ký cho 613 tờ khai, nhập khẩu trái phép hơn 12.500 tấn nhựa phế liệu, tổng trị giá theo khai báo hải quan hơn 34 tỉ đồng.
Tổng cộng, theo Cục Quản lý rủi ro nhận thấy: Từ ngày 1-1-2017 đến 12-3-2018, doanh nghiệp này đã đăng ký 1.338 tờ khai, thông quan 1.220 tờ khai. Tổng trọng lượng hàng hóa gần 44.000 tấn phế liệu nhựa.
Tuy nhiên, hải quan thấy rằng trong giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến 2-5-2018, Công ty Đức Đạt không được cấp phép nhập khẩu cũng như không báo cáo sở này việc nhập khẩu phế liệu đối với 1.220 tờ khai đã thông quan nêu trên. Điều này cho thấy công ty đã có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hợp thức nhập khẩu đối với 1.220 lô hàng phế liệu.
Đáng chú ý, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, mỗi bộ hồ sơ nhập khẩu nhựa phế liệu của Công ty Đức Đạt có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu; xác nhận phong tỏa tài khoản; giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan...
"Thế nhưng hơn 1.000 bộ hồ sơ nhập khẩu nhựa phế liệu, doanh nghiệp này chỉ sử dụng một giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu do Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cấp" - theo Tiền Phong.
Đặc biệt, toàn bộ giấy chứng nhận, thông báo và các xác nhận phong tỏa số tiền ký quỹ mà Công ty Đức Đạt cung cấp cho cơ quan hải quan là giả mạo.
Theo khai báo của ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty Đức Đạt, giấy chứng nhận trên do ông nhờ người xin giúp vào tháng 7-2017 nhưng không khai báo là nhờ ai, tên tuổi, địa chỉ.
Chỉ bị xử lý hành chính
Đầu tháng 3-2018, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện chứa nhiều bo mạch điện tử các loại đã qua sử dụng của Công ty CP Đúc và chế tạo khuôn mẫu CEM (gọi tắt Công ty CEM).
Trước đó, trong năm 2016 và 2017, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện và ngăn chặn 16 container phế liệu nhập khẩu của doanh nghiệp này chứa bo mạch điện tử, đầu thu phát sóng - thuộc hàng cấm nhập khẩu.
Toàn bộ số phế liệu điện tử này có xuất xứ từ Mỹ, đều là phế liệu thải bỏ, được các đối tượng tổ chức thu gom để đưa về Việt Nam tiêu thụ nhưng trên hồ sơ nhập khẩu thể hiện hàng hóa là phế liệu đồng.
Cục Hải quan TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CEM, buộc tiêu hủy toàn bộ số phế liệu nhập khẩu.
Lý giải việc chỉ xử phạt hành chính công ty này, theo VKSND TP.HCM, tuy trong vòng một năm (từ ngày 7-5-2017 đến 8-5-2018), Công ty CEM có nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan nhưng kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực đến nay, Công ty CEM chưa có hành vi vi phạm quy định tại Điều 188 hoặc Điều 189 của bộ luật. Do đó, không có cơ sở để xử lý hình sự đối với Công ty CEM.
Theo một cán bộ hải quan chia sẻ với báo chí, việc công ty này đã nhiều lần vi phạm trong việc nhập khẩu phế liệu nhưng lại tiếp tục chỉ bị xử lý hành chính sẽ không có tác dụng răn đe.
Theo đại diện Bộ TN&MT, hiện nay có những doanh nghiệp làm giả giấy xác nhận nhập khẩu, có giấy xác nhận nhưng quá hạn song vẫn “phù phép” để ký hợp đồng mua bán phế liệu hoặc dùng giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế rồi cố tình nhập phế liệu không đáp ứng đúng quy chuẩn, quy định. Do đó, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, những doanh nghiệp này sẵn sàng vứt bỏ lại hàng, gây tình trạng ứ đọng hàng ngàn container phế liệu tại các cảng biển.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5-2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng). Hiện Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD. Thị trường thứ hai là Mỹ, với lượng nhập phế liệu sắt thép vào khoảng 389.000 tấn, kim ngạch 138 triệu USD.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nhap-44000-tan-phe-lieu-chi-voi-1-chung-nhan-gia-784872.html