'Nhập cuộc' trong đầu tư công
Sự vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đầu tư đã mang lại 'quả ngọt' trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Giải ngân đầu tư công xếp thứ 10/63 tỉnh, thành
Những ngày qua, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP. Huế) thuộc dự án mở rộng, chỉnh trang vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước đường Phạm Văn Đồng, đội ngũ công nhân đang tập trung thi công hệ thống thoát nước, vỉa hè. Theo thiết kế, đường Phạm Văn Đồng sẽ được nâng cấp, mở rộng 36m, trong đó, mặt đường sẽ rộng 26m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Ông Nguyễn Đình Thuận, chủ một doanh nghiệp có trụ sợ đóng trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, dù việc thi công khiến quá trình hoạt động của doanh nghiệp có bị ảnh hưởng, song bản thân tôi cũng như đội ngũ nhân sự vẫn rất phấn khởi. Hiện, tuyến đường này có rất đông phương tiện giao thông qua lại, chuyện quá tải giờ cao điểm đôi lúc cũng diễn ra. Vì thế khi thấy dự án nâng cấp mở rộng đường Phạm Văn Đồng được triển khai, chúng tôi rất phấn khởi, mong là giao thông sẽ thuận tiện và tạo nên được bộ mặt mới cho khu vực này.
Không chỉ dự án này mà 2 năm trở lại đây, nhất là từ đầu năm đến nay, nhiều dự án giao thông kết nối được đưa vào sử dụng như đường Phú Mỹ - Thuận An…, nhiều dự án khác cũng đang được đầu tư nên việc kết nối các vùng rất thuận tiện. Hy vọng cú hích hạ tầng này sẽ tạo đà cho thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương, Nguyễn Đình Thuận bộc bạch.
Cùng với dự án mở rộng, chỉnh trang vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước đường Phạm Văn Đồng, tỉnh đang tập trung đôn đốc triển khai các dự án trọng điểm: tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương... Các dự án lớn khác cũng đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư như: dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3...
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tỉnh xác định giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Theo đó, tỉnh đã tổ chức giao sớm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 từ cuối năm 2022. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về thực hiện đầu tư công năm 2023, các văn bản chỉ đạo điều hành công tác thực hiện và giải ngân. Nhờ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm đã có những bước tiến quan trọng.
Theo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, đến cuối tháng 9, Thừa Thiên Huế giải ngân là 3.497/5.758 tỷ đồng, đạt 60,8%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao cả nước.
Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư
Lý giải về một phần nguyên nhân tạo nên những bước tiến trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Quốc Sơn chia sẻ, UBND tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của 4 tổ công tác do chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên. Các tổ đã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Đồng thời, tỉnh đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp qua các dự án có khả năng giải ngân cao, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2023.
Dự kiến tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong 3 tháng còn lại của năm 2023, đặc biệt đây là giai đoạn các dự án khởi công mới đã hoàn tất thủ tục đầu tư và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp. Ngoài ra, các dự án đang triển khai thi công đã có khối lượng hoàn thành và đang được hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán.
Để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh đã yêu cầu các nhà thầu xây lắp huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ, không để dồn khối lượng vào các tháng mưa bão cuối năm, nhất là các công trình đê, kè, đường giao thông triển khai ở vùng thấp trũng. Các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu liên tục cập nhật diễn biến thời tiết để bố trí nhân lực phù hợp với điều kiện triển khai thi công, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, tranh thủ từng ngày nắng để thi công hoàn thành các hạng mục có cốt thấp trước khi mưa lớn xuất hiện. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là về mặt bằng sạch, giải ngân nhanh chóng ngay khi chốt khối lượng và hoàn tất hồ sơ thanh, quyết toán, hỗ trợ nhà thầu tăng tốc thi công khi thời tiết có diễn biến thuận lợi.
Theo ông Sơn, tỉnh cũng đang làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc. Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tập trung kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nhap-cuoc-trong-dau-tu-cong-133878.html