Nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 18,5% trong nửa đầu 2023 do bị Mỹ trừng phạt
Nhập khẩu mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm 18,5% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022 tính theo số lượng.
Dữ liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thông tin này vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang tiếp tục hạn chế khả năng quốc gia châu Á tiếp cận với chip tiên tiến và thiết bị liên quan.
Cụ thể hơn, nhập khẩu IC của Trung Quốc giảm xuống còn 227,7 tỉ đơn vị trong nửa đầu năm 2023, so với 279,6 tỉ đơn vị trong cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 22,4% xuống còn 162,6 tỉ USD trong nửa đầu năm 2023.
Theo trang SCMP, tổng lượng chip của Trung Quốc nhập từ Hàn Quốc giảm 19,6% trong nửa đầu 2023 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhập khẩu chip của Trung Quốc từ Nhật Bản và Đài Loan giảm lần lượt 11,1% và 18,9% vào giai đoạn này.
Sản lượng chip cũ và các IC công nghệ trưởng thành khác trong nước này đã tăng đột biến để thay thế các sản phẩm nhập khẩu theo định hướng tự cung tự cấp chất bán dẫn của chính quyền Trung Quốc. Sản lượng IC nội địa của Trung Quốc đã tăng 0,1% trong 5 tháng đầu năm 2023, đạt 140 tỉ chiếc, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Việc Trung Quốc thiếu khả năng tiếp cận chip tiên tiến đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Inspur Group, nhà sản xuất máy chủ trí tuệ nhân tạo (AI) lớn thứ hai thế giới có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), chứng kiến cổ phiếu của mình trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến giảm 10% vào hôm qua sau khi đưa ra cảnh báo lợi nhuận sụt giảm.
Hồi tháng 3, Inspur Group bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại vì bị cáo buộc mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ quân đội Trung Quốc.
Inspur Group ban đầu có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt vào năm 2020 khi nằm trong danh sách 20 công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tháng 6.2020, Intel tạm thời ngừng vận chuyển hàng cho Inspur Group, nhưng sau đó tiếp tục giao khi công ty Trung Quốc này không bị trừng phạt.
Việc chính quyền Biden thêm Inspur Group vào danh sách thực thể đồng nghĩa công ty này sẽ ngày càng khó tìm nguồn linh kiện chính từ các nhà cung cấp Mỹ. Đây là động thái sẽ cản trở sự phát triển sức mạnh tính toán của Trung Quốc.
Inspur Group là nhà cung cấp chính máy chủ AI cho Baidu, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm đang đặt cược lớn vào các dịch vụ kiểu ChatGPT ở Trung Quốc. Inspur Group đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Alibaba Cloud và Tencent Holdings, đồng thời máy chủ của họ cũng được sử dụng bởi các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Quốc như China Mobile.
Vào tháng 8.2022, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt lệnh cấm Nvidia (nhà sản xuất chip có giá trị lớn nhất thế giới) và AMD bán một số chip tiên tiến cho Trung Quốc. Nvidia được hướng dẫn ngừng bán bộ xử lý đồ họa (GPU) A100 và H100, trong khi AMD bị ngăn xuất khẩu chip MI250 sang Trung Quốc. Điều này khiến cho ngành công nghiệp AI của Trung Quốc phải tìm mua nguồn cung hạn chế các loại chip tiên tiến từ Nvidia, công ty gần như độc quyền về GPU được sử dụng để huấn luyện hệ thống AI.
Theo những người trong ngành, nhu cầu lớn của Trung Quốc với chip tiên tiến để cung cấp sức mạnh cho các dự án phát triển AI mới đã tạo ra một thị trường ngầm buôn lậu các GPU, chẳng hạn Nvidia A100 và H100.
Theo trang web của Nvidia, A100 cung cấp sức mạnh cho các trung tâm dữ liệu hàng đầu thế giới được sử dụng cho AI, phân tích dữ liệu và các ứng dụng điện toán hiệu suất cao.
Intel, Nvidia đẩy mạnh bán chip đào tạo hệ thống AI ở Trung Quốc khi Mỹ hạn chế xuất khẩu
Intel đã mang bộ vi xử lý mới nhất dành cho các ứng dụng học sâu trí AI đến Trung Quốc, nơi có nhu cầu lớn với các chip tiên tiến bị Mỹ hạn chế xuất khẩu đã tạo ra thị trường ngầm lớn cho việc buôn lậu các GPU Nvidia.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) hôm 11.7, các lãnh đạo Intel đã giới thiệu Gaudi2, bộ xử lý không bị Mỹ hạn chế xuất khẩu.
Intel Gaudi2 như đối trọng với GPU A100 cao cấp của Nvidia, vốn được sử dụng rộng rãi để đào tạo các hệ thống AI.
Trung Quốc chiếm 27% trong tổng doanh thu Intel vào năm 2022, theo báo cáo thường niên mới nhất của công ty.
Intel Gaudi2 nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc rộng lớn với các nhà cung cấp công nghệ bán dẫn Mỹ, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ chính quyền Biden.
Trước đó, Nvidia nỗ lực bán phiên bản sửa đổi của các dòng GPU chủ lực A100 và H100 cho Trung Quốc để tuân thủ các hạn chế từ Mỹ và duy trì việc cung ứng cho khách hàng ở quốc gia châu Á, nơi các dự án phát triển AI mới nở rộ để tạo ra các dịch vụ tương tự ChatGPT của OpenAI.
“Với Intel, nhu cầu tại Trung Quốc củng cố cam kết của công ty cung cấp cho khách hàng một loạt các lựa chọn phần cứng", bà Sandra Rivera, Phó chủ tịch điều hành Intel và cũng là Tổng giám đốc nhóm trung tâm dữ liệu và AI, nói tại buổi họp báo ở Bắc Kinh.
Sandra Rivera cho biết Gaudi2 được thiết kế để giảm rào cản với việc tham gia và nâng cao khả năng của khách hàng "triển khai AI thông qua công nghệ đám mây và điện toán biên đa truy cập, giúp xây dựng tương lai AI của Trung Quốc".
Intel thông báo đang hợp tác với Inspur Group để xây dựng các máy mới được trang bị Gaudi2 cho thị trường Trung Quốc.
Habana Labs, nhóm trung tâm dữ liệu của Intel tập trung vào các công nghệ bộ xử lý học sâu AI, lần đầu tiên ra mắt Gaudi2 vào tháng 5.2022 tại Mỹ. Habana Labs cho biết hiệu suất xử lý đào tạo của Gaudi2 gấp đôi so với GPU Nvidia A100 80GB cho mô hình thị giác máy tính ResNet-50 và mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên BERT.
Giải pháp mới nhất của Intel đến vào thời điểm có nhiều khó khăn tiềm ẩn với tham vọng AI của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ được cho đang xem xét hạn chế quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây Mỹ, điều này sẽ ngăn Amazon Web Services và Microsoft sử dụng sức mạnh chip AI tiên tiến để mang lại lợi ích cho khách hàng đại lục, theo tờ The Wall Street Journal.
Mỹ được cho cũng đang xem xét một động thái leo thang để đưa GPU A800 đã giảm hiệu suất của Nvidia vào lệnh cấm xuất khẩu, The Wall Street Journal đưa tin tháng trước.