Nhập khẩu giảm, giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong 2 năm

Nhập khẩu thịt lợn trong các tháng đầu năm nay giảm, trong khi nguồn cung khan hiếm đẩy giá lợn hơi tăng lên mức cao nhất 2 năm qua bất chấp thị trường vào mùa ế ẩm nhất năm.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, nước ta đã chi ra gần 457 triệu USD để nhập khẩu khoảng 229.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, tăng 28% về lượng và tăng 24,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm và thịt trâu có xu hướng tăng mạnh, còn thịt lợn lại giảm đáng kể.

Tính đến hết tháng 4/2024, nước ta chi khoảng 43,4 triệu USD để nhập khẩu 19.400 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thịt lợn giảm 7% về lượng và giảm mạnh 14,6% về giá trị.

Giá bình quân nhập khẩu thịt lợn trong tháng 4/2024 ở mức 2,225 USD/kg, tương đương 55.000 đồng/kg.

Trên thị trường, giá thịt lợn hơi vẫn đang tăng mạnh. Tại một số địa phương, mặt hàng này đã chạm mốc 70.000 đồng/kg - mức cao nhất trong vòng hai năm qua.

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua. Ảnh: Nam Khánh

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua. Ảnh: Nam Khánh

Đáng chú ý, mùa hè thời tiết nắng nóng, giá lợn hơi thường giảm mạnh bởi người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh.

Tuy nhiên, năm nay, thị trường thịt lợn diễn biến trái quy luật, giá lợn hơi không giảm mà lại tăng mạnh. Nhờ đó, các nông hộ chăn nuôi lãi trên dưới 1 triệu đồng khi xuất bán 1 con lợn. Nếu nuôi ở quy mô lớn, có thể lãi từ 1-1,5 triệu đồng/con.

Nguyên nhân đẩy giá lợn hơi lên mức đỉnh của 2 năm là do nguồn cung trên thị trường khan hiếm.

Thực tế, nhập khẩu thịt lợn trong những tháng vừa qua đã giảm, cơ quan chức năng kiểm soát tốt vấn đề nhập khẩu lợn sống. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trước đó khiến hộ chăn nuôi phải giảm đàn hoặc không dám tái đàn.

Năm ngoái, giá lợn hơi ở mức thấp và duy trì suốt thời gian dài khiến người chăn nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ phải giảm đàn. Điều này dẫn đến sản lượng lợn hơi xuất chuồng thời gian gần đây giảm, nguồn cung thiếu so với nhu cầu.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam - thừa nhận, giá lợn hơi tăng mạnh là do cung không đủ cầu, song tình trạng thiếu hụt không nghiêm trọng.

“Thời gian tới, giá lợn hơi có thể sẽ giảm vì vào hè nắng nóng, học sinh nghỉ nên các bếp ăn trường học không hoạt động”, ông nói. Tuy nhiên, giá mặt hàng vẫn sẽ duy trì ở mức cao, người chăn nuôi đảm bảo mức lãi khá.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng dự báo, thời gian tới, giá thịt lợn sẽ neo ở mức cao. Bởi, dịch tả châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương khiến nông hộ chăn nuôi và các trang trại giảm số lượng đàn. Trong khi đó, phía doanh nghiệp cũng khá thận trọng kế hoạch tăng đàn do lo ngại dịch bệnh hoành hành vào thời điểm cuối năm.

Đáng nói, thị trường đang trong tình trạng thiếu hụt cung và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng này.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhap-khau-giam-gia-thit-lon-tang-len-muc-cao-nhat-trong-2-nam-2288527.html