Nhập khẩu từ Nga tuy nhỏ nhưng lại là mối lo lớn
Mặc dù cuộc xung đột chỉ diễn ra giữa Nga và Ukraine, song khi đánh giá về tác động thương mại của nó với Việt Nam thì phải tính cả với Belarus.
Rộng nhưng nông
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 kim ngạch buôn bán hai chiều Việt – Nga đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 0,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó ta xuất siêu 867 triệu đô la. Cũng năm 2021 thương mại hai chiều Việt Nam với Ukraine là 749,3 triệu đô la. Xuất khẩu của Việt Nam vào Belarus quá nhỏ, không bõ thống kê, ngược lại Việt Nam cũng chỉ nhập khẩu từ nước này 121,8 triệu đô la. Tình thế chung đó được minh họa bằng sự khiêm tốn qua các mặt hàng.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Nga năm 2021 là 32,5 triệu đô la, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị Nga gặp sự cố và ẩn chứa nhiều bất ổn, chỉ còn 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.
Nga và Ukraine nằm trong số 20 khách hàng mua cá ngừ đông lạnh của Việt Nam, song không đáng kể, Nga chỉ chiếm khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, còn Ukraine là 1%.
Cao su tự nhiên Việt Nam có vị thế xuất khẩu với các thị trường này từ thời bao cấp – ghi sổ “hàng đổi hàng”. Sau này, khi các nước này mở rộng nhập khẩu sang các nước khác ở Đông Nam Á, cao su Việt Nam xuống thế.
Một thời Việt Nam xuất khẩu thịt heo tảng sang Nga, nhưng từ khi bùng phát dịch tả heo châu Phi, ta phải mua ngược thịt heo cấp đông từ Nga.
Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Nga khoảng 7,3 triệu đô la, tương đương 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới.
Nhưng hậu quả sẽ sâu và rộng
Chưa cần chiến cuộc kéo dài đã thấy ngay tác động tiêu cực. Nhu cầu các thị trường thay đổi hoặc sụt giảm. Một số doanh nghiệp dệt may, thực phẩm, hàng tiêu dùng… lo bị hủy đơn hàng xuất khẩu vì dân bản địa có thể phải cắt giảm tiêu dùng.
Nhập khẩu từ ba nước Nga, Ukraine và Belarus không nhiều nhưng lại rơi vào những mặt hàng “đinh”, chiến lược của Việt Nam. Đáp trả lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, Nga cấm xuất khẩu lúa mì, kim loại, nguyên liệu thô nên sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.
Lượng phân bón nhập từ Nga không lớn so với tổng lượng phân bón nhập khẩu, song phân NPK từ Nga là một sản phẩm rất phù hợp với cây trồng và điều kiện khí hậu ở tại Việt Nam. Vì vậy, từ lâu nó thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của nhà nông để tăng năng suất, sản lượng cây trồng.
Việt Nam còn nhập nhiều nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến nông phẩm như: lúa mì khoảng 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì; bắp làm thức ăn chăn nuôi. Khi Nga cấm xuất khẩu những thứ này thì ta bị ảnh hưởng tức thời, không nhẹ.
Năm 2021, gỗ nguyên liệu từ Nga nhập vào Việt Nam 55 triệu đô la. Dù chỉ chiếm 1,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ, nhưng đây lại là các loại gỗ đặc chủng để làm các sản phẩm đặc thù theo các đơn hàng cũng đặc biệt. Đó là các loài bạch dương (birch), bồ đề, vân sam, gỗ sồi. Khi đứt nguồn cung này từ Nga, Việt Nam còn “đụng đầu” với các doanh nghiệp của các nước cũng muốn tìm kiếm nguồn cung cấp khác từ Mỹ và châu Âu.
Lượng dầu hướng dương nhập từ các thị trường này không nhiều song lại cần cho công nghệ làm cá hộp, trong đó hợp nhất là với cá ngừ, mà lượng cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang Nga chỉ là phần nhỏ trong lượng cá ngừ của ta, nếu bị đứt nguồn, chuyện gì sẽ xảy ra.
Nickel nguyên chất được xem là kim loại quý ứng dụng trong ngành thép không gỉ, siêu hợp kim và các ứng dụng khác. Công nghiệp càng phát triển, nicken càng cao giá.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có dự án hợp tác trực tiếp với Nga, Ukraine, Belarus sẽ chịu tác động không nhỏ mà trước mắt là một số dự án liên quan đến công nghệ, tài chính của Nga. Đó là chưa kể tác động trực tiếp khác do giá cả nhiều loại nguyên vật liệu và nhiên liệu leo thang; việc thanh toán cho các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp Nga gặp khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn với nước này có thể tạm thời không thu được tiền bán hàng…
Nguyễn Duy Nghĩa
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhap-khau-tu-nga-tuy-nho-nhung-lai-la-moi-lo-lon/