Nhập phế liệu điện tử trên mạng, gian thương Hà Nội 'hô biến' thành hàng chục vạn sạc điện thoại, ipad Samsung 'chính hãng', bán cho người tiêu dùng

Từ những phế liệu điện tử được rao bán theo cân trên các trang mạng xã hội, một gian thương ở Hà Nội đã thu mua về sửa chữa, gia công, lắp ráp, hô biến thành sạc điện thoại, ipad mới, chính hãng để bán cho người tiêu dùng.

Chiều 4/4, thông tin tới phóng viên, ông Trần Việt Hùng Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh linh phụ kiện điện thoại Đức Hải, tại địa chỉ 141 đường Lạc Long Quân (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội), lực lượng chức năng "tá hóa" phát hiện hơn 11.200 sạc điện thoại, ipad đều được "hô biến" từ phế liệu điện tử.

Đáng chú ý, các "thành phẩm" sạc điện thoại, ipad đều được in nhãn hiệu Samsung.

Trước khi được lắp ráp hoàn thiện, các vỏ cục sạc điện thoại, ipad đều được in, khắc logo nhãn hiệu Samsung.

Trước khi được lắp ráp hoàn thiện, các vỏ cục sạc điện thoại, ipad đều được in, khắc logo nhãn hiệu Samsung.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông N.N.T (SN1983) - chủ cơ sở kinh doanh thừa nhận việc nhập toàn bộ số bo mạch, vỏ sạc trôi nổi trong các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội facebook hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử.

Ông N.N.T cho biết: "Chỉ cần vào facebook, hoặc lên google gõ các từ khóa như "Phế liệu điện tử", "Bo mạch điện thoại", "Sỉ phụ kiện điện thoại"… hàng loạt các hội nhóm, website hiện ra cho mình lựa chọn. Tôi mua hàng theo cân (kg), cần số lượng bao nhiêu cũng có".

Cận cảnh khu vực "hô biến" sạc điện thoại, ipad hiệu Samsung từ phế liệu điện tử được mua trôi nổi trên mạng xã hội.

Cận cảnh khu vực "hô biến" sạc điện thoại, ipad hiệu Samsung từ phế liệu điện tử được mua trôi nổi trên mạng xã hội.

Theo đại diện lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội, tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, có 3 nhân viên đang sử dụng các thiết bị, công cụ, máy móc thô sơ để gia công, lắp ráp các bo mạch vào các vỏ sạc điện thoại, ipad. Mỗi một sạc điện thoại thành phẩm, cơ sở bán ra với giá từ 25.000 - 30.000 đồng thông qua hình thức bán trực tiếp hoặc bán online trên các nền tảng mạng xã hội.

Có mặt tại hiện trường, đơn vị được Samsung ủy quyền cho biết, nhìn bằng mắt thường, từ bo mạch đến vỏ sạc đều không phải hàng chính hãng.

Lực lương chức năng Hà Nội kiểm điếm số lượng thành phẩm đang được "hô biến" thành sạc chính hãng, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Lực lương chức năng Hà Nội kiểm điếm số lượng thành phẩm đang được "hô biến" thành sạc chính hãng, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Qua quá trình kiểm đếm, lực lượng QLTT Hà Nội đã thu giữ 11.265 sản phẩm sạc pin các loại là hàng trôi nổi, hàng giả mạo nhãn hiệu Samsung.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT thành phố Hà Nội), việc lắp ráp, gia công các loại sạc từ những linh kiện, thiết bị trôi nổi trên thị trường hết sức nguy hiểm cho người dùng, dễ gây cháy nổ và nhiều hệ lụy khác.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hà Nội khuyến cáo, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện thoại hay các hàng điện tử khác, người dùng cần lựa chọn mua hàng ở những cơ sở địa chỉ kinh doanh uy tín, tránh mua trôi nổi trên mạng xã hội.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhap-phe-lieu-dien-tu-tren-mang-gian-thuong-ha-noi-ho-bien-thanh-hang-chuc-van-sac-dien-thoai-ipad-samsung-chinh-hang-ban-cho-nguoi-tieu-dung-172220404172445987.htm