Nhập siêu nguyên liệu trong tháng 5-2024: Tín hiệu sản xuất phục hồi
Cán cân thương mại tháng 5-2024 trở lại nhập siêu (kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu), với 88,8% là hàng hóa nguyên liệu then chốt phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi, đặt ra kỳ vọng tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa cuối năm 2024.
Nhập khẩu nguyên liệu then chốt tăng cao
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 có những tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí đến cuối năm 2024.
Đáng chú ý, trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu sản xuất dệt may của các doanh nghiệp tăng 14,32% so với tháng 4-2024. Tính chung, kim ngạch nhập khẩu bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu các loại trong 5 tháng năm 2024 tăng 15,34% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu nguyên phụ liệu gia tăng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh hồi phục kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Dệt may tăng trở lại. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, dệt may thuộc nhóm ngành hàng chủ lực có tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm ở mức 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ ngành Dệt may, 5 tháng qua, nhập khẩu nhiều nhóm hàng nguyên liệu then chốt cho sản xuất đều tăng cao. Theo Bộ Công Thương, chiếm 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tính chung, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa cần nhập khẩu trong 5 tháng ước đạt 132,16 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 18,5 tỷ USD, tăng 15,4%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu thép các loại tăng 28,3%; dây điện và cáp điện tăng 25,6%; chất dẻo nguyên liệu tăng 17,3%; vải các loại tăng 13,3%...
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5-2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa, tháng 5-2024 là tháng đầu tiên Việt Nam nhập siêu sau gần 2 năm duy trì tốc độ xuất siêu (kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu) hằng tháng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD (tăng 24,2%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD (tăng 14,9%); cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Kỳ vọng đạt mục tiêu đề ra
Theo các chuyên gia, những năm qua, cán cân thương mại đạt thặng dư khá bền vững, do đó, nhập siêu trong phạm vi một tháng là điều không đáng lo ngại. Ngoài ra, việc nhập khẩu bật tăng hiện nay có thể là bước đi trước của tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ở giai đoạn tiếp theo.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, bức tranh tổng thể hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực, phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi. Riêng tháng 5, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều có mức tăng tốt so với cùng kỳ năm 2023. Cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, cùng với nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất gia tăng, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)… cũng tăng, cho thấy sản xuất, xuất khẩu và nền kinh tế phục hồi rõ nét.
Cũng theo bà Nguyễn Cẩm Trang, nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu của khu vực kinh tế trong nước 5 tháng đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%, trong khi nhập khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%. Đây là minh chứng cho thấy, bước sang năm 2024, “sức khỏe" của các doanh nghiệp đã tốt hơn sau năm 2023 nỗ lực chống chịu.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thể hiện mức độ hấp thụ nguyên, nhiên, vật liệu trong nước cao đáng kể. Các doanh nghiệp trong nước tìm được đơn hàng mới và đang đầu tư mạnh cho sản xuất. Đây là dấu hiệu của việc mở rộng năng lực sản xuất nội địa, cải thiện sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nhập khẩu tăng cao, sản xuất được đẩy mạnh là cơ sở để thu hút lao động, tạo việc làm, huy động các nguồn lực khác phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế.
"Thực tế nêu trên tạo kỳ vọng sản xuất, xuất khẩu tiếp tục tăng trong chu kỳ tiếp theo. Với việc các doanh nghiệp có đơn hàng, mục tiêu tăng trưởng công nghiệp và xuất nhập khẩu năm 2024 hoàn toàn có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra", ông Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.