Nhập tịch cầu thủ đẳng cấp quốc tế, Malaysia cũng không thể cản Việt Nam
Tung ra sân đội hình có nhiều cầu thủ nhập tịch và gốc gác quốc tế, nhưng Malaysia không thể cản bước tuyển Việt Nam hướng tới chiến thắng thứ 5.
So với trận đấu lượt đi ở Mỹ Đình năm 2019, Malaysia chơi tốt hơn trước tuyển Việt Nam. Đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe duy trì thế cân bằng đến những phút cuối, trước khi mắc sai lầm và để Quế Ngọc Hải ghi bàn ấn định chiến thắng trên chấm 11m.
Ở trận này, HLV Tan Cheng Hoe tung vào sân 3 cầu thủ nhập tịch, trong đó Guilherme de Paula (gốc Brazil) và Mohamadou Sumareh (gốc Gambia) đá chính, còn Liridon Krasniqi vào sân từ ghế dự bị.
Ngoài ra, "Mãnh hổ" còn có nhiều cầu thủ chỉ mang một nửa dòng máu Malaysia như La'Vere Corbin-Ong, Matthew Davies, Brendan Gan, Dion Cools. Trong đó, Cools là cầu thủ nổi bật nhất. Anh từng chơi cho các CLB châu Âu như OH Leuven, Club Brugge (Bỉ) và Midtjylland (Đan Mạch), thi đấu 13 trận ở đấu trường Champions League.
Sự xuất hiện của dàn sao quốc tế là hệ quả của chính sách nhập tịch, hoặc làm thủ tục để các cầu thủ nước ngoài về cống hiến cho Malaysia của Liên đoàn bóng đá nước này. Sau AFF Cup 2018, Malaysia bắt đầu mở cửa đón nhận các tài năng lên tuyển, với mục tiêu vượt vòng loại thứ hai World Cup 2022.
Tuy nhiên, chính sách này chưa mang lại tín hiệu tích cực. Sau 7 trận vòng loại, Malaysia thắng 3, thua, 4, và có nguy cơ không được dự Asian Cup 2023. Sau khi chiến dịch vòng loại được nối lại, Malaysia thi đấu 2 trận và thua cả 2, ghi 1 bàn, thủng lưới tới 6 lần.
HLV Tan Cheng Hoe sở hữu nhiều cầu thủ tốt, nhưng khi gộp thành một đội, Malaysia lại không phải tập thể mạnh. Hai năm sau quá trình nhập tịch, Malaysia vẫn thua trận và kém Việt Nam tới 8 điểm.
Theo BLV Vũ Quang Huy, nhập tịch cầu thủ không phải con đường sai lầm, nhưng cách làm phải có liều lượng, tính toán:
"Malaysia là đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, nên sự hòa nhập của cộng đồng với những người mới đến là tương đối dễ dàng. Dù vậy, trong bóng đá, chỉ nên nhập tịch những cầu thủ có trình độ vượt trội những cầu thủ thi đấu trong nước. Vị trí nào yếu kém thì nhập tịch, còn lại, không nên nhập tịch ồ ạt".
Tham vọng nhập tịch ồ ạt để nâng tầm đẳng cấp trong thời gian ngắn không phải bước đi căn cơ, bền vững. HLV Tan Cheng Hoe sắp xếp trung vệ Dion Cools đá chính, bất chấp cầu thủ này mới có ít ngày tập luyện. Ông cũng gạt bỏ các cầu thủ trẻ để xếp De Paula, Krasniqi vào đội hình.
Để rồi, đội hình nhiều ngôi sao trên lý thuyết của Malaysia không thắng được tuyển Việt Nam - với 100% cầu thủ bản địa đang thi đấu trong nước.
Điều đó cho thấy hơn cả năng lực cá nhân, yếu tố làm nên chiến thắng của một đội tuyển còn là sự gắn kết, thấu hiểu, khát vọng và tình yêu với màu cờ sắc áo. HLV Park Hang Seo đang có trong tay một đội bóng như vậy, còn Tan Cheng Hoe thì sao?
"Lần trước, ngay cả khi không có cầu thủ nhập tịch, Malaysia vẫn có thể đủ điều kiện tham dự Olympic. Bây giờ, sự hiện diện của họ không thể giúp chúng tôi giành chiến thắng.
Tôi không tức giận với bất kỳ bên nào nhưng tôi rất buồn khi họ không thể hiện chất lượng như từng thể hiện ở Super League. Hãy chơi vì tình yêu của đất nước", huyền thoại Datuk Singh của bóng đá Malaysia mổ xẻ.
Ở trận đấu đêm qua, De Paula và Sumareh được bố trí ra sân từ đầu. De Paula chơi khá tốt, nhưng 1 bàn thắng trên chấm 11m là chưa đủ để tiền đạo gốc Brazil đáp ứng kỳ vọng. Sumareh, cầu thủ nhập tịch còn lại, thi đấu mờ nhạt, chỉ được nhớ đến bởi những pha phạm lỗi với Đoàn Văn Hậu hay Nguyễn Trọng Hoàng.
Krasniqi, chân sút gốc Kosovo, vào sân cuối trận và cũng để lại ấn tượng xấu khi phạm lỗi thô bạo với Nguyễn Phong Hồng Duy. Krasniqi sau đó ra dấu thách thức ban huấn luyện tuyển Việt Nam.
Đó không phải hình ảnh CĐV Malaysia mong muốn ở những ngôi sao nhập tịch. Sau 2 năm cải tổ để theo đuổi giấc mơ World Cup, HLV Tan Cheng Hoe sẽ phải chờ đợi một cơ hội khác.