Nhập viện cấp cứu vì dùng methanol pha cocktail
Sau khi sử dụng methanol (cồn công nghiệp) pha thêm cùng rượu ethanol và cocktail, người đàn ông nước ngoài phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 67 tuổi, Quốc tịch Nga, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở nhanh do suy hô hấp.
Sau khi khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành lọc máu cấp cứu và cho thở máy. Qua 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, thở đều, các cơ quan trong cơ thể có dấu hiệu cải thiện tốt.
Trước đó, bệnh nhân tham gia tiệc rượu cùng bạn bè, có sử dụng methanol (cồn công nghiệp) pha thêm cùng rượu ethanol và cocktail. Sau khi sử dụng, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện ngộ độc trên và được đưa vào bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, methanol là một loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Methanol được sử dụng để làm dung môi pha sơn, dung dịch tẩy rửa, nước hoa, chất chống đông lạnh.. Các sản phẩm có chứa methanol bao gồm chất lỏng rửa kính chắn gió, chất chống đông đường khí, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí, chất lỏng máy sao chép, nước hoa, nhiên liệu hâm nóng thức ăn và các loại nhiên liệu khác…
Vì có độc tính cao nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng hạn chế trong công nghiệp chứ không được dùng làm rượu để uống như ethanol.
Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, phần lớn được chuyển hóa qua gan nhưng chậm. Bản thân chất methanol gây ra các biểu hiện giống ethanol (các biểu hiện của say rượu) nhưng methanol sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa chậm thành acid formic, sau đó thành fomate, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với cơ thể như: Nhiễm toan chuyển hóa máu; Gây tổn thương gan, thận, thần kinh; Gây tổn thương thị giác có thể dẫn tới mù lòa; Tử vong nếu không phát hiện điều trị kịp thời
Các chuyên gia chống độc cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Các triệu chứng nhiễm độc do methanol có thể xuất hiện trong vòng 30 phút, 1 giờ đến 3 ngày, tùy thuộc vào số lượng và tình trạng bệnh nhân có uống cả ethanol hay không
Theo các bác sĩ điều trị, với trường hợp ngộ độc rượu methanol nặng, ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu kèm với các biện pháp điều trị bổ sung khác. Để phòng ngộ độc methanol, người dân nên hạn chế sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe; nếu sử dụng nên uống loại có nguồn gốc. Tuyệt đối không được sử dụng methanol (cồn công nghiệp) để pha chế uống sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, qua báo cáo của Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methano, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân...