Nhập viện vì ngộ độc 'mùi nhà mới'

Bỏ ra 40.000 SGD (30.500 USD) để cải tạo nhà mới, Aden không nhận được không gian sống ấm cúng, vui vẻ như tưởng tượng.

Vài ngày sau khi chuyển đến căn hộ tại một chung cư ở phía đông Singapore vào tháng 11/2023, Aden (32 tuổi) bắt đầu cảm thấy không khỏe.

"Tôi cảm thấy nóng rát ở mắt, mũi và cổ họng. Có lúc tôi không thở được, bị khó thở", cô nói với The Straits Times. Aden được chẩn đoán bị ngộ độc formaldehyde.

Formaldehyde thường được sử dụng trong các sản phẩm xây dựng và đồ nội thất gia dụng như đồ gỗ, hay được gọi là "mùi nhà mới". Các sản phẩm có chứa hóa chất này có thể giải phóng các hạt gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu tiếp xúc ở mức độ cao. Loại hóa chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng, nếu tiếp xúc lâu dài có thể dẫn tới một số loại ung thư.

"Đáng lẽ tôi phải nhận ra có điều gì đó không ổn vì cứ khi nào đến xem căn hộ trong quá trình thi công, tôi đều ngửi thấy mùi hăng mạnh. Mùi này đặc biệt khó chịu khi bắt đầu lắp đặt tủ", Aden nhớ lại.

 Aden đau mắt, khó thở vì ngộ độc formaldehyde. Ảnh: Luther Lau/Straits Times.

Aden đau mắt, khó thở vì ngộ độc formaldehyde. Ảnh: Luther Lau/Straits Times.

Một manh mối khác người phụ nữ 32 tuổi đã bỏ qua là hai chú mèo của cô, Bobby và Fluffy, luôn ở trên ban công, không thích vào nhà.

"Chúng cũng bị ảnh hưởng. Chúng luôn nhắm mắt, bị rụng lông, để lại những mảng đỏ, đặc biệt là trên da của Bobby", cô nói thêm.

Aden đi công tác từ tháng 1 đến tháng 3/2024 và không có triệu chứng nào khi ở nước ngoài, song ngay khi trở về và ở nhà một ngày, cô lại bị ốm.

"Căn hộ đóng cửa lâu ngày nên có nhiều khí độc tích tụ. Mắt phải tôi đau như có lửa đốt, tôi ngay lập tức đến khoa cấp cứu tại Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH)", cô nói.

Bác sĩ tại TTSH chẩn đoán Aden bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nhưng không thể xác định nguyên nhân gây dị ứng bởi các xét nghiệm Aden thực hiện đều có kết quả âm tính. Aden đành trở về căn hộ - nơi chứa đầy khí độc - chỉ với thuốc kháng sinh và thuốc nhỏ mắt.

"Tôi đã nhắn tin cho người phụ trách trang trí nội thất. Anh ta không hề thông cảm chút nào, thậm chí thừa nhận rằng đã sử dụng vật liệu rẻ tiền nhất để làm cho tôi. Anh ta cũng bảo tôi mở cửa sổ và rải than xung quanh căn hộ để giảm bớt mùi, rồi mọi chuyện sẽ ổn", cô kể.

Khó đòi bồi thường

Benjamin Bala, phó giám đốc phụ trách kiện tụng và giải quyết tranh chấp tại TSMP Law, cho biết vì hiện tại Singapore chưa có quy định pháp lý nào đối với việc sử dụng các hợp chất có chứa formaldehyde trong công trình sửa chữa nhà ở nên Aden chỉ có thể kiện nhà thầu hoặc nhà thiết kế nội thất vì tội cẩu thả.

"Aden phải chứng minh rằng vật liệu được sử dụng đã gây ra tình trạng của cô ấy, và nhà thầu hoặc nhà thiết kế nội thất biết hoặc đáng lẽ phải biết về khả năng đó. Ngay cả khi anh ta không biết rằng vật liệu đó có thể gây độc thì vẫn có thể lập luận rằng việc sử dụng quá mức một số hợp chất chứa formaldehyde cấu thành hành vi cẩu thả", Bala nói.

 Aden không nhận ra mức độ nguy hiểm đến từ các món nội thất trong nhà.

Aden không nhận ra mức độ nguy hiểm đến từ các món nội thất trong nhà.

Không chỉ Aden, nhiều người Singapore thời gian qua cũng gặp một số tình trạng bệnh lý do nồng độ formaldehyde cao trong đồ nội thất và nhiều chủ nhà đang tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết tình huống này.

Kể từ năm 2020, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã ghi nhận 19 phản hồi về mức độ formaldehyde phát sinh từ các công trình xây dựng cải tạo.

Vào tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu cho biết chính phủ sẽ "rất nghiêm túc" xem xét khuyến nghị của các nhà lãnh đạo ngành về việc đặt ra giới hạn phát thải formaldehyde trong các sản phẩm xây dựng và đồ nội thất.

 Mắt phải của Aden bị viêm kết mạc.

Mắt phải của Aden bị viêm kết mạc.

Đầu năm 2024, Singapore tuyên bố sẽ cấm sử dụng formaldehyde trong sơn dùng cho nội thất các tòa nhà kể từ tháng 1/2026.

Phát biểu tại Quốc hội Singapore vào ngày 6/8, Thư ký Quốc hội cấp cao về Phát triển bền vững và Môi trường Baey Yam Keng cho biết NEA đang "tích cực nghiên cứu" vấn đề này, bao gồm việc xem xét các thông lệ quốc tế, hướng dẫn và yêu cầu pháp lý. Ông không nói khi nào quá trình đánh giá sẽ kết thúc.

Về phần Aden, cô phải tiếp tục đến bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn về tình trạng sức khỏe.

"Bác sĩ chuyên khoa mắt nói rằng tôi bị viêm kết mạc do formaldehyde gây ra, dẫn đến nhiễm trùng mắt phải", cô cho biết. Aden còn phải nằm viện 4, 5 ngày để điều trị.

Người phụ nữ 32 tuổi đã tạm chuyển đến căn hộ của bố mẹ. Cô thuê một nhà thầu khác để cải tạo toàn bộ căn hộ cũ.

"Chắc tôi sẽ phải tốn thêm 20.000 SGD (15.200 USD) nữa cho nơi ở mới ngoài số tiền 40.000 SGD đã chi. Tôi còn phải lo thêm hóa đơn viện phí và các đợt điều trị y tế khác. Tôi hy vọng có thể được bồi thường", Aden nói.

Tuy nhiên theo Bala, số tiền tranh chấp liên quan đến formaldehyde có thể không cao và quá trình kiện tụng có thể "rất tốn kém".

"Hòa giải có thể là một cách để giải quyết những tranh chấp như vậy", ông nói thêm.

Mai An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhap-vien-vi-ngo-doc-mui-nha-moi-post1492732.html