Nhập viện vì ngộ độc sau khi uống nhầm dầu hỏa
Vừa qua, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân V.N.H (73 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị ngộ độc sau khi uống nhầm dầu hỏa đựng trong vỏ chai nước ngọt.
Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân uống nhầm khoảng 100ml dầu hỏa đựng trong chai nước ngọt. Sau khi uống, bệnh nhân ho sặc sụa, hơi đau bụng, buồn nôn và được người nhà nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, bụng mềm, không chướng, huyết áp 160/70 mmHg. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm và nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng cho thấy: bệnh nhân bị viêm niêm mạc dạ dày, viêm loét niêm mạc thực quản. Bác sĩ chẩn đoán theo dõi ngộ độc dầu hỏa/tăng huyết áp/viêm niêm mạc dạ dày.
Các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu, giải độc cho bệnh nhân, bơm than hoạt, truyền dịch, dùng thuốc nhuận tràng, bao niêm mạc dạ dày, bài niệu. Sau đó, bệnh nhân được đưa lên khoa Nội tiếp tục theo dõi và điều trị theo phác đồ.
Theo khuyến cáo của BSCKI Nguyễn Đình Minh - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Nội, cần phải bảo quản hóa chất ở một nơi riêng biệt, dán nhãn ghi tên trên vỏ chai. Tránh cất giữ các loại hóa chất, nước tẩy rửa gia dụng trong các vỏ chai khiến nhầm tưởng là nước uống được.
Các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất.
Vì vậy, khi đã uống nhầm xăng, dầu, tuyệt đối không được móc họng gây nôn. Thực tế khi tai nạn xảy ra, người nhà hay xử trí đầu tiên là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nôn ra trong trường hợp đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở.
Cũng theo bác sĩ Minh, nếu bị uống nhầm dầu hỏa thì cách xử trí ban đầu là súc miệng bằng nước muối loãng và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được xử lý, điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.