Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 13 địa phương
Ngày 19/1, Hội đồng chuyên gia phòng chống dịch bệnh đã phê duyệt chủ trương của Chính phủ Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với thủ đô Tokyo và 12 tỉnh thành khác tại Nhật Bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các địa phương sẽ được áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm gồm: Thủ đô Tokyo, Saitama, Chiba, Kanagawa, Aichi, Gifu, Mie, Gunma, Niigata, Kagawa, Nagasaki, Kumamoto và Miyazaki. Thời gian áp dụng từ ngày 21/1-13/2. Như vậy, sẽ có tổng số 16 tỉnh, thành phố tại Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm khi trước đó ba tỉnh là Hiroshima, Yamaguchi và Okinawa đã được áp dụng biện pháp này.
Biện pháp phòng dịch trọng điểm được Chính phủ Nhật Bản ban hành dựa trên luật các biện pháp đặc biệt phòng chống các chủng cúm mới. Trong lần áp dụng này, Chính phủ Nhật Bản sẽ giao cho các chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp cụ thể về ra lệnh hoặc yêu cầu các cửa hàng kinh doanh rút ngắn thời gian hoạt động, áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh phí cần thiết, đồng thời đưa ra mức phạt tối đa 200.000 yen đối với các trường hợp vi phạm quy định. Dự kiến, quyết định chính thức sẽ được Chính phủ Nhật Bản công bố tại cuộc họp của Ủy ban phòng chống dịch bệnh diễn ra vào chiều 19/1.
Quyết định áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 13 địa phương của chính phủ Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây. Số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản ghi nhận trong ngày 18/1 là 32.197 người, mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh diễn ra. Theo Giáo sư Koji Wada thuộc Đại học Y tế và Phúc lợi quốc tế, đồng thời là thành viên của nhóm chuyên gia phòng chống dịch bệnh thuộc Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Mặc dù biến chủng Omicron đang lây lan tại Nhật Bản được cho là ít có nguy cơ gây biến chứng nặng, song việc gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm có thể gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế, giao thông và lưu thông hàng hóa tại Nhật Bản.