Nhật Bản – ASEAN lên kế hoạch hợp tác chiến lược sản xuất ô tô
Nhật Bản và ASEAN dự định thiết kế chiến lược hợp tác để đào tạo nhân lực và sản xuất bền vững trong ngành công nghiệp ô tô ở Đông Nam Á. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các hãng xe điện Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Tờ Nikkei Asia hôm 20-5 đưa tin, tại hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản vào tháng 9 tới, hai bên dự kiến vạch chiến lược chung về sản xuất và kinh doanh ô tô cho đến năm 2035.
Chiến lược này sẽ bao gồm hợp tác phát triển nhân lực, khử carbon trong hoạt động sản xuất ô tô, thu mua tài nguyên khoáng sản, đầu tư vào các lĩnh vực thế hệ tiếp theo như nhiên liệu sinh học và quảng bá cho khách hàng toàn cầu về hoạt động sản xuất ô tô thân thiện với môi trường ở ASEAN.
Về đào tạo nhân lực, Nhật Bản dự định sử dụng nguồn ngân sách 140 tỉ yen (900 triệu đô la Mỹ) mà Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp dành riêng để hỗ trợ các nước đang phát triển. Công nhân ở các nhà máy lắp ráp ô tô và các nhà cung cấp linh kiện ô tô ở Đông Nam Á sẽ được huấn luyện về các công nghệ số hóa.
Theo Nikkei Asia, công nghệ của Nhật Bản sẽ được sử dụng để đo lường lượng phát thải carbon ở các nhà máy lắp ráp ô tô trong khu vực, từ đó thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Đối với hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực thế hệ tiếp theo, hai bên sẽ xem xét mua sắm chung các nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong pin xe điện cũng như hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực như tái chế pin. Hai bên cũng đang xem xét hợp tác dự án phát triển nhiên liệu sinh học làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.
Nhật Bản và ASEAN sẽ cùng quảng bá những nỗ lực bảo vệ môi trường này đến phần còn lại của thế giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu ô tô của khu vực. Hai bên cũng sẽ cùng nhau đưa ra dự báo thị trường ô tô toàn cầu, kể cả ở các nước đang phát triển, cho đến đến năm 2035.
ASEAN là nơi đặt nhà máy của nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, bao gồm Toyota và Honda. Các hãng xe Nhật Bản lắp ráp hơn 3 triệu xe mỗi năm tại đây, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xe của ASEAN, với một lượng lớn xe xuất khẩu sang Trung Đông và các nơi khác.
Hiện nay, mỗi thương hiệu xe Nhật Bản đều tự tiến hành kinh doanh ở ASEAN. Nhưng với việc các hãng xe hàng đầu Trung Quốc như BYD và SAIC Motor tăng cường sự hiện diện trong khu vực, chính phủ Nhật Bản ngày càng thấy cần hỗ trợ để vạch ra chiến lược sản xuất ô tô chung với ASEAN.
Nhật Bản đang định vị nước này như là đối tác đáng tin cậy bằng cách đóng góp trong các lĩnh vực như phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực, hứa hẹn mang lại lợi ích cho ASEAN.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng xe Trung Quốc đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các hãng xe Nhật Bản. Thái Lan cung cấp trợ cấp và giảm thuế cho các hãng sãn xuất xe điện thiết lập nhà máy ở trong nước. Các thương hiệu xe điện của Trung Quốc như BYD đã tận dụng chương trình ưu đãi này. Nhờ vậy, 85% xe điện tiêu thụ ở Thái Lan trong năm ngoái đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
“Nhu cầu ô tô tổng thể ở Đông Nam Á suy giảm do lãi suất tăng và các yếu tố khác. Nhưng với các khoản trợ cấp hào phóng cho xe điện ở Thái Lan, chỉ có đấu thủ Trung Quốc hưởng lợi”, lãnh đạo của một hãng sản xuất ô tô, nói.
Thông qua việc xây dựng chiến lược chung nói trên, Nhật Bản và ASEAN đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái ô tô linh hoạt, không chỉ để chống lại sự cạnh tranh bên ngoài mà còn thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới bền vững trong khu vực.
Sự hợp tác này dự kiến đóng vai trò quan trọng trên thị trường ô tô toàn cầu, khi cả hai bên đều cố gắng duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới chuyển dịch nhanh chóng sang xe điện.
Hãng tin Reuters nhận định, sáng kiến hợp tác này thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới hội nhập và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa Nhật Bản và ASEAN, tạo tiền đề cho một ngành công nghiệp ô tô bền vững và tiên tiến hơn về công nghệ.
Tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo của hai bên đã nhất trí hợp tác xây dựng ngành công nghiệp ô tô xanh và cạnh tranh. Họ đã ra mắt Sáng kiến đồng sáng tạo ASEAN-Nhật Bản trongngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo. Sáng kiến kêu gọi cùng nhau xây dựng một “kế hoạch tổng thể” cho ngành công nghiệp ô tô, điều phối các chính sách để khử carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị, và xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, mục tiêu của sáng kiến mới là đảm bảo ngành công nghiệp ô tô của ASEAN vẫn là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của thế giới trước sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt đối với xe thế hệ tiếp theo.
Theo Nikkei Asia, Reuters