Nhật Bản báo động về tình trạng mất ngủ ở người lao động

Khoảng 45,5% người lao động tại Nhật Bản ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm. Đây là kết quả một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ Nhật Bản, trong đó nêu rõ tình trạng mệt mỏi ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người lao động.

Khoảng 45,5% người lao động tại Nhật Bản ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm. (Nguồn: AP)

Khoảng 45,5% người lao động tại Nhật Bản ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm. (Nguồn: AP)

Sách Trắng phân tích tình hình tử vong và tự tử liên quan đến làm việc quá sức cũng cho biết trong tài khóa 2022 có 710 trường hợp tự tử được cho là do rối loạn tâm thần vì làm việc quá sức.

Theo kết quả khảo sát được tiến hành với 10.000 người đang có việc làm, 45,4% cho biết thời gian ngủ lý tưởng là từ 7 đến 8 tiếng, trong khi 17,1% cho rằng cần ngủ hơn 8 tiếng.Trong Sách Trắng được Nội các Nhật Bản thông qua ngày 13/10, có 10% người trả lời cho biết ngủ chưa đến 5 tiếng mỗi đêm, 35,5% ngủ từ 5-6 tiếng và 35,2% ngủ từ 6-7 tiếng.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy có trong số những người lao động ngủ ít hơn 4 tiếng và 5 tiếng so với thời gian mà họ cho là lý tưởng, lần lượt có 27,4% và 38,5% được cho là có thể rơi vào tình trạng trầm cảm nặng hoặc rối loạn lo âu. Thực tế cho thấy những người này có nguy cơ lớn hơn mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Khoảng 70% những người cho rằng mình ngủ đủ thời gian lý tưởng không gặp nguy cơ trầm cảm hay lo âu. Trong khi trong số những người ngủ ít hơn thời gian lý tưởng từ 3 đến 5 tiếng, chỉ khoảng 40% tránh được nguy cơ này.

Một quan chức Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết cần thay đổi thực tế thời gian làm việc kéo dài và cho phép người lao động được ngủ nhiều hơn, để họ có thể duy trì trạng thái tâm thần mạnh khỏe.

Cuộc khảo sát được tiến hành sau báo cáo năm 2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết thời gian ngủ trung bình của người Nhật là 7 tiếng 22 phút, ngắn nhất trong số 33 nước thành viên tổ chức này, vốn có mức trung bình là 8 tiếng 28 phút.

(theo Kyodo)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-bao-dong-ve-tinh-trang-mat-ngu-o-nguoi-lao-dong-247034.html