Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai công trình cân bằng năng lượng
là nội dung trong Hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực tế triển khai công trình cân bằng năng lượng (ZEB) tại Nhật Bản và khuyến nghị cho Việt Nam' được tổ chức vào ngày 9/8.
Bộ Xây dựng phối hợp với Trung tâm bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) và Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực tế triển khai công trình cân bằng năng lượng (ZEB) tại Nhật Bản và khuyến nghị cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở nhiều điểm cầu tại Việt Nam lẫn Nhật Bản. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức vào tháng 9.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, sự kiện hôm nay là cơ hội quý báu để chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách, thực tiễn triển khai, tiêu chuẩn và các công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, công trình cân bằng năng lượng, công trình trung hòa carbon, từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam.
Từ lâu, Nhật Bản đã nổi tiếng trên toàn thế giới là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, công trình cân bằng năng lượng và công trình trung hòa carbon. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách, quy chuẩn trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Bởi vậy, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh kỳ vọng Hội thảo lần này có thể giúp đỡ các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị tư vấn thiết kế... của Việt Nam và các bên liên quan cùng nhau trao đổi, làm rõ nội dung về thực tiễn triển khai các công trình cân bằng năng lượng, công trình trung hòa carbon. Điều này sẽ mở ra những cơ hội áp dụng, triển khai xây dựng các công trình cân bằng năng lượng phù hợp và hiệu quả tại Việt Nam.
Bộ Xây dựng rất mong muốn phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ về công tác nghiên cứu, công nghệ... để thực hiện các công trình cân bằng năng lượng, trung hòa carbon đầu tiên ở Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hideyuki Umeda - Giám đốc Chính sách quốc tế về trung hòa carbon, Cục Tài nguyên và Năng lượng thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản (METI) cho biết, Việt Nam đang rất cố gắng để đạt được các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26 nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được chuyện này, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Umeda cho rằng việc triển khai các công trình cân bằng năng lượng, trung hòa carbon phụ thuộc nhiều vào điều kiện của các địa phương. Với những kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ cả về kiến thức lẫn khoa học công nghệ cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Giám đốc Chính sách quốc tế về trung hòa carbon, Cục Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản nhấn mạnh: “Chúng tôi rất mong muốn từng bước thúc đẩy phát triển công trình cân bằng năng lượng trên toàn thế giới. Thông qua Hội thảo lần này, chúng tôi có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm để xây dựng các công trình cân bằng năng lượng và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ các nội dung về chính sách và thực tiễn triển khai công trình cân bằng năng lượng tại Nhật; tiêu chuẩn ISO/TS 23764 (phương pháp luận để đạt được công trình ZEB) và việc áp dụng tiêu chuẩn này trong khung chính sách; chiến lược ZEB cho công trình trung hòa carbon; công nghệ nâng cao tối ưu hóa năng lượng tái tạo, hướng đến công trình ZEB… Về phía Việt Nam, TS.KTS. Phạm Thị Hải Hà, Trưởng bộ môn Kiến trúc môi trường của Đại học Xây dựng đã chia sẻ các trở ngại và cơ hội triển khai công trình ZEB.
Ở phần thảo luận, các đại biểu và khách mời đã trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy triển khai công trình cân bằng năng lượng tại Việt Nam, trong đó tập trung bàn về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, xây dựng quy chuẩn về công trình ZEB, quy trình dán nhãn công trình ZEB... Các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này dựa trên kinh nghiệm thực tế của nước bạn.