Nhật Bản cần lao động nước ngoài và nghịch lý không thể giữ chân
Lao động người nước ngoài đã trở nên dễ thấy hơn nhiều ở Nhật Bản. Nhưng các chính sách chỉ dành cho thời gian lưu trú ngắn hạn có thể gây tổn hại cho đất nước trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về lao động.
Nhật Bản chỉ muốn lao động, không muốn nhập cư
Ngu Thazin muốn rời khỏi đất nước chiến tranh của mình để đến một tương lai tốt đẹp hơn. Cô hướng đến Nhật Bản.
Ở Myanmar, cô học tiếng Nhật và tốt nghiệp ngành hóa học tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất đất nước. Tuy nhiên, cô vui vẻ nhận công việc thay tã và tắm cho người già tại một viện dưỡng lão ở một thành phố trung bình ở Nhật Bản.
“Thành thật mà nói, tôi muốn sống ở Nhật Bản vì nơi đó an toàn”, Thazin, người hy vọng cuối cùng sẽ vượt qua kỳ thi để được làm việc như một người giúp việc được cấp phép, cho biết. “Và tôi muốn gửi tiền cho gia đình tôi”.
Nhật Bản đang rất cần những người như Thazin để lấp đầy các công việc còn bỏ trống do dân số già hóa và suy giảm. Số lượng lao động nước ngoài đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2007, lên hơn hai triệu người, trong một quốc gia có 125 triệu dân.
Nhưng ngay cả khi nhân viên nước ngoài trở nên dễ thấy hơn nhiều ở Nhật Bản, làm việc như thu ngân cửa hàng tiện lợi, nhân viên khách sạn và phục vụ nhà hàng, họ vẫn bị đối xử một cách mơ hồ. Các chính trị gia vẫn miễn cưỡng tạo ra con đường cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là những người làm công việc kỹ năng thấp, để ở lại vô thời hạn.
Điều đó cuối cùng có thể khiến Nhật Bản phải trả giá trong cuộc cạnh tranh với các nước láng giềng như Hàn Quốc, hoặc thậm chí những nơi xa hơn như Úc và châu Âu, những nơi cũng đang phải vật lộn để tìm kiếm lao động.
Sự phản kháng chính trị đối với vấn đề nhập cư ở Nhật Bản, cũng như công chúng đôi khi cảnh giác với việc hòa nhập những người mới đến, đã dẫn đến một hệ thống pháp lý và hỗ trợ mơ hồ khiến người nước ngoài khó có thể ổn định cuộc sống.
Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, người lao động sinh ra ở nước ngoài được trả lương trung bình ít hơn khoảng 30% so với người Nhật Bản. Vì sợ mất quyền ở lại Nhật Bản, người lao động thường có mối quan hệ bấp bênh với người sử dụng lao động của họ và sự thăng tiến trong sự nghiệp có thể khó nắm bắt.
Chính sách của Nhật Bản được thiết kế để "mọi người làm việc tại Nhật Bản trong thời gian ngắn", Yang Liu, một thành viên của Viện nghiên cứu kinh tế, thương mại và công nghiệp (RIETI) tại Tokyo cho biết. "Nếu hệ thống tiếp tục như vậy, khả năng người lao động nước ngoài sẽ ngừng đến Nhật sẽ trở nên rất cao".
Đã có những thay đổi, nhưng chưa đủ
Vào năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép tăng mạnh số lượng lao động nước ngoài có trình độ thấp được phép vào nước này. Đầu năm nay, Tokyo đã cam kết tăng gấp đôi số lượng này trong năm năm tới, lên 820.000 người. Chính phủ Nhật Bản cũng sửa đổi một chương trình thực tập kỹ thuật mà các nhà tuyển dụng đã sử dụng làm nguồn lao động giá rẻ.
Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn còn lâu mới mở cửa biên giới của đất nước. Nhật Bản vẫn chưa trải qua loại di cư đáng kể nào như những gì đã làm rung chuyển châu Âu hoặc Mỹ. Tổng số cư dân sinh ra ở nước ngoài tại Nhật Bản - bao gồm cả vợ/chồng và con cái không đi làm - là 3,4 triệu, ít hơn 3% dân số. Ví dụ, tỷ lệ ở Đức và Mỹ gần gấp năm lần con số đó.
Khá lâu trước khi người nước ngoài có thể có được quyền thường trú, họ phải vượt qua các yêu cầu về thị thực rắc rối, bao gồm các bài kiểm tra ngôn ngữ và kỹ năng. Không giống như ở Đức, nơi chính quyền cung cấp cho cư dân nước ngoài mới tới 400 giờ học ngôn ngữ với mức giá được trợ cấp chỉ hơn 2 euro một bài học, Nhật Bản không có chương trình đào tạo ngôn ngữ có tổ chức cho người lao động nước ngoài.
Trong khi các chính trị gia cho rằng đất nước nên làm tốt hơn việc giảng dạy tiếng Nhật, thì "họ vẫn chưa sẵn sàng rót tiền từ thuế vào việc này", Toshinori Kawaguchi, giám đốc bộ phận phụ trách vấn đề lao động nước ngoài thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cho biết.
Điều đó khiến các thành phố và người sử dụng lao động phải quyết định có cung cấp đào tạo ngôn ngữ hay không và tần suất như thế nào. Người điều hành viện dưỡng lão tuyển dụng Thazin ở Maebashi, thủ phủ của tỉnh Gunma ở miền trung Nhật Bản, cung cấp cho một số người chăm sóc một ngày học tiếng Nhật theo nhóm, cũng như một bài học 45 phút nữa, mỗi tháng. Song những người lao động làm công việc chuẩn bị bữa ăn tại viện dưỡng lão, chỉ nhận được một bài học 45 phút mỗi tháng.
Akira Higuchi, chủ tịch công ty, Hotaka Kai, cho biết ông khuyến khích nhân viên tự học tiếng Nhật. Những người vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật của chính phủ ở cấp độ cao thứ hai , ông nói, "sẽ được đối xử giống như người Nhật, với mức lương và tiền thưởng như nhau".
Đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn, người nước ngoài không nói được tiếng Nhật có thể gặp khó khăn khi giao tiếp với chính quyền địa phương hoặc trường học. Trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, rất ít nhân viên bệnh viện nói được ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật.
Hotaka Kai đã thực hiện các biện pháp khác để hỗ trợ nhân viên của mình, bao gồm việc cung cấp chỗ ở cho người mới đến tại các căn hộ doanh nghiệp được trợ cấp và cung cấp đào tạo kỹ năng.
Một căn bếp chung của 33 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 31 cho thấy một cái nhìn thoáng qua về những di sản hòa quyện với nhau. Nhìn ra từ những thùng nhựa có dán nhãn tên của cư dân là những gói Ladaku merica bubuk (một loại bột tiêu trắng của Indonesia) và những gói gia vị thịt kho kiểu Việt Nam.
Trên khắp tỉnh Gunma, sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài là điều không thể nhầm lẫn. Tại Oigami Onsen, một ngôi làng trên sườn núi, nơi nhiều nhà hàng, cửa hàng và khách sạn đã đóng cửa, một nửa trong số 20 nhân viên toàn thời gian tại Ginshotei Awashima - một nhà nghỉ suối nước nóng truyền thống - đến từ Myanmar, Nepal hoặc Indonesia.
Wataru Tsutani, chủ nhà trọ, cho biết: "Do nhà trọ nằm ở vùng nông thôn nên "không còn người Nhật nào muốn làm việc ở đây nữa".
Ngun Nei Par, giám đốc nhà trọ, tốt nghiệp một trường đại học ở Myanmar với bằng địa lý. Cô hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cô nhập quốc tịch để cô có thể đưa gia đình mình đến Nhật Bản vào một ngày nào đó.
Nhưng ông Tsutani, chủ sở hữu nhà trọ, cho biết công chúng chưa theo kịp thực tế có thể phản đối nếu có quá nhiều người nước ngoài xin nhập quốc tịch.
“Tôi nghe rất nhiều người nói rằng Nhật Bản là một 'quốc gia độc đáo'”, ông Tsutani nói. “Nhưng thực ra không cần phải gây khó khăn như vậy cho người nước ngoài muốn ở lại Nhật Bản. Chúng tôi muốn có người lao động”.