Nhật Bản chế tạo túi đựng có thể ăn được
Một doanh nhân tại điểm du lịch Nara nổi tiếng của Nhật Bản đã triển khai giải pháp thay thế cho túi mua sắm bằng nilon nhằm bảo vệ loài hươu quý hiếm của thành phố.
Theo kênh CNN, anh Hidetoshi Matsukawa làm việc tại Nara-ism (một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại địa phương) cho biết năm ngoái, những con hươu sống trong công viên của thành phố đã chết sau khi ăn phải túi nilon. “Tôi muốn làm một điều gì đó để bảo vệ loài hươu - biểu tượng của Nara”, anh Hidetoshi nói.
Cách Kyoto 45 phút đi tàu hỏa, Nara là nơi sinh sống của khoảng 1.000 con hươu quý hiếm – loài được chính thức công nhận là bảo vật thiên nhiên quốc gia ở Nhật Bản. Khi đến đây, nhiều du khách cho hươu tại đây ăn.
Tuy nhiên, tháng 7/2019, một nhóm phúc lợi địa phương báo cáo đã tìm thấy 9 con hươu chết và phát hiện có nilon trong bụng chúng. Tổ chức kêu gọi khách du lịch không nên ném bừa bãi túi nilon ra công viên.
Để giải quyết vấn đề, anh Hidetoshi đã cùng với một nhà sản xuất giấy địa phương và một công ty thiết kế cho ra đời một dự án có tên gọi Shikagami. Túi giấy thay thế cho túi nilon được làm từ cám gạo và hộp sữa.
“Cám gạo phần lớn bị bỏ đi trong lúc xay xát. Việc lấy nguyên liệu đó làm giấy cũng góp phần giảm lãng phí”, Hidetoshi giải thích. Anh đã thử nghiệm loại túi này và cho biết chúng an toàn đối với con người.
Sau khi sản xuất, loại túi sinh học này đã được thử nghiệm tại các ngân hàng địa phương và đền Todaiji - điểm thu hút khách du lịch chính ở Nara. Nhà chùa và các ngân hàng đã đặt mua 4.000-5.000 chiếc túi với giá 100 yên/chiếc để tham gia dự án thử nghiệm.
Anh Hidetoshi cho biết giá sẽ giảm nếu có thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký sử dụng túi này. “Tin tức về những cái chết của loài hươu do túi nilon đã tạo ra một hình ảnh tiêu cực. Công viên như thể nghĩa trang của những chú hươu vậy. Túi giấy có thể bảo vệ hươu, cũng như hình ảnh của Nara”.