Nhật Bản chờ đón năm mới 2022: Đẩy mạnh cải cách về kinh tế và chính sách đối ngoại

Sau khi Thủ tướng Kishida Fumio chính thức lên nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản thay cho cựu Thủ tướng Suga. Ngay sau khi nhậm chức, chính phủ mới của Nhật Bản đã có nhiều điều chỉnh về chính sách với mong muốn thúc đẩy hơn nữa uy tín và vị thế của nước Nhật trong bối cảnh mới.

Là một người theo chủ nghĩa ôn hòa và ưa thích sự ổn định, năm 2022, ông Kishida Fumio được cho là sẽ tiếp tục dẫn dắt Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vượt qua hàng loạt khó khăn hiện tại, như khống chế đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế, tình trạng già hóa dân số và căng thẳng với Trung Quốc.

BTV Hồ Điệp sẽ cùng phóng viên Bùi Hùng nhìn lại những biến động trên chính trường Nhật Bản một năm qua và những dự báo cho năm mới 2022.

Thủ tướng Kishida Fumio. Ảnh: AFP

Thủ tướng Kishida Fumio. Ảnh: AFP

MC: Cùng với việc nước Nhật có Thủ tướng mới vào tháng 9/2021, nếu để nhìn lại về tình hình Nhật Bản năm 2021, chúng ta có thể mô tả như thế nào thưa anh?

PV: Vâng! Tôi có thể gói gọn ở từ “thành công” đối với Nhật Bản trong năm 2021. Sự thành công này theo tôi thể hiện ở 3 điểm chính sau:

Thứ nhất, tổ chức thành công Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Để tổ chức sự kiện này, Nhật Bản đã phải thực hiện công tác chuẩn bị từ nhiều năm trước, quan trọng nhất là xây dựng sân vận động quốc gia mới ở thủ đô Tokyo. Bên cạnh đó, trong điều kiện đại dịch Covid-19 phát sinh, sự kiện đã phải hoãn tổ chức 1 năm, đồng thời các đảng phái đối lập luôn luôn phản đối việc tổ chức bởi lo ngại sự lây nhiễm sẽ không thể kiểm soát nếu tổ chức. Thủ tướng mới là ông Suga Yoshihide thời điểm đó chỉ có khoảng hơn nửa năm để phải đưa ra quyết định tổ chức hay không trong bối cảnh cực kỳ khắc nghiệt, thậm chí có thể phải từ chức nếu có gì sai sót. Với quyết tâm lớn, Nhật Bản đã tổ chức thành công Olympic 2020 trong đại dịch một cách “an toàn, an tâm”.

Thứ 2, Nhật Bản khống chế dịch ở mức an toàn, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, đón năm mới 2022 trong tư thế thoải mái nhất. Sau khi tổ chức thành công Olympic và Paralympic 2020, từ cuối tháng tháng 9 đến tháng 10, số ca lây nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tăng đột biến và phá vỡ mọi kỷ lục trước đó, tỷ lệ tử vong cao nhất. Mặc dù không thiếu vắc-xin, nhưng Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tiêm thấp nhất trong nhóm G7 và nhiều nước khác trên thế giới. Mặc dù vậy, chỉ sau 1 tháng, tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất trong Nhóm G7, số ca nhiễm mới giảm xuống thấp nhất. Người dân đã sinh hoạt bình thường trở lại. Đây thực sự là dấu ấn đặc biệt của năm 2021.

Thứ 3, chuyển giao chính quyền mới và giải tán Hạ viện thành công. Đặc trưng của nền chính trị Nhật Bản là có Thủ tướng tại vị 2-3 nhiệm kỳ liên tục, nhưng cũng có thể trong thời gian một nhiệm kỳ 3 năm, nhiều chính quyền Thủ tướng khác nhau cũng ra đời. Với việc khép lại chính quyền Suga Yoshihide, bắt đầu chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio thể hiện sự tiếp nối những gì thế hệ trước đã làm và thực hiện một số chính sách mới, phù hợp với bối cảnh hiện tại, thúc đẩy giai đoạn phát triển mới của Nhật Bản.

MC: Từ tháng 9 năm 2021 Thủ tướng Kishida Fumio chính thức nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản với những cam kết rất mạnh mẽ về cải tổ kinh tế. Đến nay, sau gần 4 tháng cầm quyền, dư luận Nhật bản đánh giá như thế nào về sự điều hành của chính phủ mới thưa anh? Điều gì khiến họ quan tâm nhất?

PV: Trong 4 tháng lên nắm quyền, thì chính quyền mới của Thủ tướng Kishida Fumio cũng phải mất 1 tháng để ổn định nhân sự, hoàn thiện các thủ tục để chính thức trở thành Thủ tướng. Như vậy, chính xác, ông Kishida Fumio chỉ còn khoảng 3 tháng để thực hiện nhiệm vụ của năm 2021, nhưng lại có thể bao trùm dư luận cả năm. Đây là một điều không dễ thực hiện.

Trong quý III/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản giảm khoảng 0,8% so với quý trước và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mức suy giảm tăng trưởng sau hai quý tăng trưởng liên tiếp. Nhưng ngay sau đó, vào giữa tháng 11, chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio đã thông qua gói kích thích kinh tế lớn tổng trị giá 78.900 tỷ yen (tương đương 690 tỷ USD) tập trung vào tái cấu trúc nền kinh tế và phân phối lại của cải cho các hộ gia đình. Cụ thể là hỗ trợ thêm 100.000 yen tiền mặt và phiếu mua hàng cho trẻ em dưới 18 tuổi, tăng lương cho y tá và nhân viên y tế, cũng như hỗ trợ tài chính lên tới 2,5 triệu yen cho các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch.

Cũng trong tháng 11 này, tỷ lệ nhiễm Covid-19 giảm ở mức thấp nhất, hoạt động kinh tế có nhiều khởi sắc khi du lịch trong nước bắt đầu trở lại, các nhà hàng được hoạt động như bình thường…Sinh hoạt của người dân sôi nổi như trước đó.

Như vậy, có thể nói chính quyền Kishida Fumio đã lật ngược dư luận, xoay chuyển tình hình một cách ấn tượng. Ông đã thực hiện mong muốn của dư luận trước khi dư luận kịp chỉ trích hay bình luận bằng việc cho thấy nền kinh tế có cơ sở để hồi phục khi tình hình dịch bệnh gần như được khống chế, và chính sách ổn định dân sinh theo hình thái “xây dựng chủ nghĩa tư bản” mới có tác dụng.

MC: Một trong những quyết sách của Thủ tướng Kishida Fumio được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là chinh sách đối ngoại. Phát biểu trước Quốc hội Nhật mới đây, Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố Nhật sẽ không loại trừ "năng lực tấn công vào căn cứ đối phương" để bảo vệ đất nước.

Theo anh, với tuyên bố này, người đứng đầu Nhật Bản mong muốn chuyển tải thông điệp gì trong năm 2022?

PV: Về chính sách đối ngoại, chúng ta nên hiểu một cách khái quát hơn khi Thủ tướng Kishida Fumio đưa ra 3 trụ cột chính là: bảo vệ chủ nghĩa dân chủ; bảo vệ hòa bình, ổn định của Nhật Bản; hợp tác với cộng đồng quốc tế vì con người và tương lai.

Trong bảo vệ chủ nghĩa dân chủ, nhiệm vụ chính là duy trì và phát triển chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua mạng lưới các nước đồng minh, đảm bảo an ninh kinh tế bao gồm duy trì vị trí của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác với cộng đồng quốc tế, hướng tới đảm bảo cung cấp ổn định chất bán dẫn.

Trong hợp tác với cộng đồng quốc tế vì con người và tương lai, nhấn mạnh tăng cường với các nước Âu Mỹ tạo khung pháp lý về lưu thông dữ liệu tự do và tin tưởng nhằm ngăn chặn việc độc quyền dữ liệu, chủ đạo trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Như vậy, ông Kishida Fumio chắc chắn sẽ theo đuổi chính sách tăng cường quan hệ với Mỹ trên nhiều lĩnh vực trong đó tập trung vào hợp tác kinh tế và giải quyết vấn đề lớn của quốc tế như vấn đề Triều Tiên, vấn đề hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này cũng sẽ gắn với thực hiện hình thái xã hội tư bản mới.

Và tất cả những điều trên trong chính sách đối ngoại đã được ông Fumio Kishida nhấn mạnh trọng cuộc họp báo cuối cùng trong năm 2021vừa diễn ra gần đây, thể hiện thông điệp rõ ràng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ, thậm chí tạo sự tiếp tục cho những chính quyền tiếp theo./.

MC: Cảm ơn phóng viên Bùi Hùng./.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-cho-don-nam-moi-2022-day-manh-cai-cach-ve-kinh-te-va-chinh-sach-doi-ngoai-post914240.vov