Nhật Bản cô lập thành công vi rút corona

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang phòng dịch viêm phổi do vi rút corona chủng mới tại Nara, ngày 29/1/2020 - Nguồn: Kyodo/TTXVN

* 34 hãng hàng không toàn cầu tạm ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIID) của Nhật Bản vừa nuôi cấy và cô lập thành công chủng vi rút corona mới (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi cấp từ một bệnh nhân nhiễm vi rút này.

Theo NIID, chuỗi gene của chủng vi rút đã được cô lập trùng khớp tới 99,9% với chuỗi gene của vi rút corona mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố. Trong vi rút đã được cô lập này, không có bất cứ sự biến đổi nào về gene có thể dẫn tới sự lây nhiễm hay độc tính cao hơn.

Với thành công này, NIID sẽ bắt đầu quá trình phát triển vắcxin phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh vi rút corona. Bên cạnh đó, NIID dự định sẽ chia sẻ chủng vi rút đã bị cô lập này cho các nhà nghiên cứu và công ty trong lúc cố gắng tìm ra cơ chế lây nhiễm của chủng vi rút nguy hiểm mới, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của chúng.

Trước đó, ngày 31/1, Ủy ban châu Âu đã công bố khoản tài trợ trị giá 10 triệu euro cho hỗ trợ nghiên cứu về loại vi rút corona mới xuất hiện ở Trung Quốc và hiện chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là hiệu quả.

Trong một thông cáo, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cho các dự án nghiên cứu "giúp nâng cao hiểu biết về dịch vi rút corona mới, góp phần vào việc quản lý lâm sàng hiệu quả hơn cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi vi rút và cải thiện công tác chuẩn bị cũng như phản ứng của cơ quan y tế công cộng”.

Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides nhấn mạnh EU cần có phản ứng đa chiều và phối hợp giữa các quốc gia thành viên trong việc đối phó với vi rút corona và nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta cần biết nhiều hơn nữa về loại vi rút này để có các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho công dân của chúng ta.

Nhiều trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang tích cực làm việc để phát triển loại vắcxin mới phòng chống loại vi rút này. Theo trang web khoa học Stat, tổ chức Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã đặt ra một mục tiêu rất táo bạo là có được vắcxin để thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần.

Trong khi đó, theo các chuyên gia chức y tế, hiện chưa có hãng dược phẩm nào có thể bào chế được vắcxin phòng tránh 2019-nCoV để có thể sử dụng trước giữa năm nay. Giám đốc điều hành hãng Moderna Therapeutics, ông Stephane Bancel cho rằng không nhà sản xuất nào có thể có sẵn loại vắcxin này vào mùa hè tới. Ông cho biết bất cứ loại vắcxin nào cũng đều phải trải qua một số cuộc thử nghiệm lâm sàng và cho dù với công nghệ hiện đại hiện nay, không loại vắcxin nào có thể đưa vào sử dụng vào mùa hè, thậm chí là vào mùa thu tới.

Trong diễn biến khác, Úc sẽ từ chối nhập cảnh đối với tất cả khách du lịch đến từ Trung Quốc, ngoại trừ công dân Úc, trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới đang ngày càng lan rộng.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 1/2, Thủ tướng Úc Scott Morrison công bố lệnh cấm nói trên, trong đó nêu rõ Úc sẽ không tiếp nhận du khách đến từ Trung Quốc, bất kể là từ thành phố nào, từ ngày 1/2. Chỉ những công dân Úc trở về từ Trung Quốc mới được phép nhập cảnh, nhưng phải tự cách ly trong khoảng thời gian 14 ngày.

Ông Morrison cho biết Hội đồng Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe Úc, bao gồm các Giám đốc Y tế của các bang và vùng lãnh thổ, đã họp khẩn vào ngày 31/1, đưa ra khuyến nghị các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm chống lại sự lây lan của vi rút Corona trong lãnh thổ Úc.

Dựa trên yêu cầu của Ủy ban, Bộ Ngoại giao Úc (DFAT) khuyến cáo công dân nước này không nên đi du lịch đến Trung Quốc, cũng như yêu cầu tất cả mọi người đến Úc từ Trung Quốc tiến hành tự cách ly trong vòng 14 ngày, kể từ khi họ rời Trung Quốc.

Cùng ngày 1/2 hãng hàng không Qantas Airways của Úc thông báo hãng này sẽ ngừng hoạt động 2 chặng bay trực tiếp từ nước này tới Trung Quốc đại lục kể từ ngày 9/2 trong bối cảnh một số nước áp đặt biện pháp hạn chế đi lại nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm 2019 nCoV có thể gây chết người. Theo đó các chuyến bay trực tiếp của Qantas Airways từ Sydney tới Bắc Kinh và tới Thượng Hải sẽ ngừng hoạt động cho đến hết ngày 29/3. Các chuyến bay của hãng này từ Úc tới Hongkong hiện chưa có thông báo thay đổi.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 34 hãng hàng không trên thế giới thông báo ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV, bùng phát tại Trung Quốc gây ra và đến nay đã khiến 259 trường hợp tử vong trong tổng số gần 12.000 ca nhiễm vi rút. Ba hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các hãng hàng không tạm ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc.

Giới chức y tế Trung Quốc ngày 1/2 thông báo tính đến hết ngày 31/1, đã có tổng số 243 bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV được xuất viện sau thời gian điều trị và phục hồi. Trong thông báo cập nhật hằng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết chỉ trong ngày 31/1, có 72 trường hợp được xuất viện.

Tất cả các bệnh nhân không còn các triệu chứng sốt cao trong vòng 3 ngày và kết quả xét nghiệm acid nucleic 2 lần cho kết quả âm tính với vi rút nCoV đều có thể xuất viện. Theo NHC, tính đến hết ngày 31/1, đã có tổng số 259 ca tử vong trong tổng số 11.791 người nhiễm trên toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/234469/nhat-ban-co-lap-thanh-cong-vi-rut-corona.html