Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế mới: Tăng tốc phục hồi sau đại dịch
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 8-12 vừa qua đã công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá hơn 700 tỷ USD. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng tốc phục hồi sau quá trình sụt giảm sâu do tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới có nguy cơ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.
Gói kích thích kinh tế đầu tiên kể từ khi Thủ tướng S.Yoshihide lên nắm quyền với trị giá 73,6 nghìn tỷ yên (tương đương 708 tỷ USD) có mục tiêu phục hồi kinh tế và đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như đổi mới xanh và số hóa. Trong một cuộc họp của Chính phủ với các đảng cầm quyền, Thủ tướng S.Yoshihide cho biết, gói kích thích mới gồm khoảng 40 nghìn tỷ yên (khoảng 384,5 tỷ USD) chi tiêu trực tiếp và các sáng kiến nhằm giảm lượng khí nhà kính cũng như thúc đẩy áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Khoản tài chính này cũng sẽ bao gồm quỹ trị giá 2.000 tỷ yên (19,2 tỷ USD) để thúc đẩy tính trung lập carbon vào năm 2050, 1.000 tỷ yên (9,6 tỷ USD) để tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số và 1.500 tỷ yên (14,4 tỷ USD) trợ cấp để hỗ trợ các nhà hàng bị ảnh hưởng do giờ giao dịch bị rút ngắn trong đại dịch.
Để tài trợ cho chương trình mới, Chính phủ Nhật Bản đang soạn thảo gói ngân sách bổ sung thứ ba trong tài khóa 2020 và dự thảo ngân sách cho tài khóa 2021. Với gói kích thích kinh tế mới, tổng số tiền mà Chính phủ Nhật Bản đã chi cho các biện pháp kích thích liên quan đến dịch Covid-19 là khoảng 3.000 tỷ USD. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tung 2 gói kích thích kinh tế với quy mô tổng cộng 2.200 nghìn tỷ USD tập trung vào nỗ lực ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Động thái của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu cũng đang tăng cường các gói kích thích tài chính để ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu và kéo dài, khi các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động giao thương đình trệ và rất nhiều người phải nghỉ việc. Trên thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi ấn tượng vào quý III-2020 sau khi chứng kiến sự suy thoái tồi tệ nhất thời hậu chiến trong quý II-2020. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo làn sóng lây nhiễm mới có thể khiến đà hồi phục trở nên mong manh hơn. Số ca mắc mới và tử vong hằng ngày do Covid-19 tại Nhật Bản liên tục tăng trong những tuần qua, kéo theo lo ngại về nguy cơ quá tải đối với hệ thống y tế.
Ông Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Yasuda Meiji (Nhật Bản) nhận định, điều mà quốc gia có mức nợ công/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới này cần là tạm gác lại chương trình cải cách tài khóa để tập trung trợ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo Thủ tướng S.Yoshihide, Chính phủ Nhật Bản đã kết hợp các biện pháp mới nhằm duy trì việc làm, hoạt động kinh doanh và phục hồi nền kinh tế, mở ra một con đường để đạt tăng trưởng, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Gói kích thích kinh tế vừa được công bố sẽ hỗ trợ xứ Phù tang phục hồi sau khi suy giảm mạnh do dịch Covid-19.
Chuyên gia Taro Saito của Viện Nghiên cứu NLI (Nhật Bản) cho rằng, hoạt động kinh tế của Nhật Bản sẽ tiếp tục đối mặt với những hạn chế từ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, cơn ác mộng về nguy cơ tạm ngừng hoạt động, phá sản hoặc mất sinh kế vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động. Do đó, các gói hỗ trợ giúp người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng chính là góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch.