Nhật Bản công bố Sách Trắng về kinh tế và tài chính tài khóa 2019
Nhật Bản công bố Sách Trắng về kinh tế và tài chính tài khóa 2019, cho biết Tokyo đang đề phòng bất kỳ tác động tiêu cực nào từ việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Ngày 23/7, Nhật Bản công bố Sách Trắng về kinh tế và tài chính tài khóa 2019, cho biết Tokyo đang đề phòng bất kỳ tác động tiêu cực nào từ việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản.
Theo Sách Trắng trên, kinh tế Trung Quốc chững lại đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Nhật Bản cũng như xuất khẩu của nước này sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sách Trắng cho rằng Trung Quốc hiện đang bị tác động bởi sự sụt giảm nhu cầu linh kiện điện thoại thông minh và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang đe dọa kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, Nhật Bản cần đặc biệt chú ý đến những bất ổn liên quan tới các chính sách và tình hình kinh tế nước ngoài, bao gồm sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, tác động của các vấn đề thương mại Mỹ-Trung và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản đánh giá nền kinh tế nước này có thể đang trong giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, căn cứ các điều kiện lao động và tiền lương được cải thiện.
Tuy nhiên, Sách Trắng không đề cập đánh giá này, trong khi khuyến nghị Nhật Bản cần cải thiện hiệu suất để nâng lương và giải quyết tình trạng thiết hụt lao động nghiêm trọng, hai nhân tố vốn giúp thúc đẩy tiêu dùng. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành quy chế thị thực mới để cho phép các công ty tuyển thêm lao động nước ngoài.
Nhật Bản cũng đang nỗ lực để tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động, cũng như khuyến khích người cao tuổi tham gia lực lượng lao động. Sách Trắng cũng cho rằng cần xem xét lại văn hóa và hệ thống việc làm của Nhật Bản, bao gồm việc làm thêm giờ và mức lương dựa trên thâm niên, để thu hút lao động nước ngoài.
Trong bối cảnh thuế tiêu dùng của Nhật Bản sẽ tăng từ 8% lên 10% vào tháng 10 tới, Sách Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi chặt chẽ tác động của biện pháp tăng thuế đối với thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, vốn là những nhân tố quan trọng tác động đến mức cầu trong nước.
Theo Sách Trắng, do chi tiêu của những người ở độ tuổi từ 39 trở xuống vẫn yếu, việc nâng lương, tăng cơ hội chi tiêu thông qua việc giảm giờ làm cũng cần thiết để thúc đẩy tiêu dùng.