Nhật Bản 'đặt cược' vào mô hình 'du lịch lên men'

Nhật Bản đặt cược vào mô hình 'du lịch lên men' thông qua các chuyến tham quan nhà máy sản xuất rượu sake và nước tương truyền thống.

Các nhà máy sản xuất truyền thống của Nhật Bản, nổi tiếng với các sản phẩm lên men, đang thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan.

Nhà máy Maruya Hatcho Miso nằm ở Okazaki, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Du khách có dịp tới nhà máy Maruya Hatcho Miso sẽ tận mắt khám phá quy trình chế biến tương miso từ thủ công cho đến hiện đại. Ảnh: Facebook / @ Maruya Hatcho.

Nhà máy Maruya Hatcho Miso nằm ở Okazaki, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Du khách có dịp tới nhà máy Maruya Hatcho Miso sẽ tận mắt khám phá quy trình chế biến tương miso từ thủ công cho đến hiện đại. Ảnh: Facebook / @ Maruya Hatcho.

Du khách rất thích đến các nhà máy sản xuất nước tương miso và rượu sake vì niềm đam mê đối với các loại thực phẩm lên men và truyền thống ẩm thực phong phú của Nhật Bản.

Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tham quan các nhà máy sản xuất tương đậu nành miso. Đây được cho là gia vị ưa thích của Tokugawa Ieyasu - vị tướng quân đầu tiên ở Nhật Bản vào thế kỷ 17.

Ngày nay, tương đậu nành thường được đưa vào sử dụng làm gia vị cho các món ăn tại các nhà hàng truyền thống ở Nhật Bản.

Tokugawa Ieyasu, vị tướng quân đầu tiên của Edo và là người thống nhất Nhật Bản, rất coi trọng sức khỏe và đam mê vị tương đậu nành "hatcho miso". Ông cho rằng đây là nguồn protein dồi dào để cung cấp cho quân đội.

Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của các món ăn như narezushi - loại sushi lên men với muối và gạo cũng thu hút du khách khám phá.

Mặc dù là món ăn ưa thích của những tín đồ mê hải sản, nhưng loại cá này cũng có mùi thơm nồng đặc trưng.

"Quy trình sản xuất truyền thống luôn thu hút số lượng lớn du khách tham quan", một hướng dẫn viên du lịch nói.

Hầu hết những du khách nước ngoài đã tham quan Maruya Hatcho Miso, một nhà máy sản xuất miso ở Okazaki, tỉnh Aichi, với lịch sử gần 700 năm, cho biết họ ngưỡng mộ quy trình sản xuất tương miso lâu đời vì đòi hỏi rất nhiều công sức để ra đời loại gia vị nổi tiếng này.

Được thành lập vào năm 1337, công ty đã duy trì phương pháp sản xuất lâu đời kể từ trước thời kỳ Edo.

Trong những năm gần đây, nhà máy đã thu hút số lượng lớn du khách không chỉ từ Nhật Bản mà còn từ Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và các nơi khác trên thế giới ghé thăm.

"Chúng tôi muốn truyền tải chân thực về văn hóa ẩm thực Nhật Bản từ nhà máy truyền thống của mình", Chủ tịch Maruya Hatcho Nobutaro Asai, 75 tuổi, cho biết.

Truyền tải văn hóa ẩm thực qua du lịch

Kawaramachi Izumiya, một nhà hàng truyền thống ở Gifu, miền trung Nhật Bản, chuyên phục vụ sushi narezushi lên men và ủ lâu năm. Nhà hàng này cũng thu hút nhiều nhóm khách du lịch nước ngoài ghé thăm mỗi tuần kể từ năm ngoái.

Du khách tham gia một phần của quá trình làm rượu sake, ở Nagano, miền trung Nhật Bản. Ảnh: Instagram/@mysakejourney_uk

Du khách tham gia một phần của quá trình làm rượu sake, ở Nagano, miền trung Nhật Bản. Ảnh: Instagram/@mysakejourney_uk

"Tôi hy vọng thực khách có thể thưởng thức hương vị món ăn mà chỉ có thể tìm thấy ở đây", Zenhichi Izumi, 58 tuổi, chủ nhà hàng cho biết

Ngoài ra, trải nghiệm thực tế về việc nấu rượu sake Nhật Bản cũng trở thành một trào lưu thu hút du khách đến Nhật Bản.

Một công ty du lịch ở Saku, tỉnh Nagano đã tổ chức chương trình trải nghiệm như vậy. Công ty này đã mang đến cho du khách cơ hội trở thành người nấu rượu sake. Những người tham gia sẽ ở trong một ngôi nhà theo phong cách truyền thống, nơi những người nấu rượu từng ở vào mùa nấu rượu cũng như tham gia vào các quy trình làm rượu sake, bao gồm rửa gạo, hấp và lên men bằng nấm mốc koji.

Theo Công ty lữ hành Kurabito Stay, khoảng 40% người tham gia tour du lịch sản xuất rượu sake tại công ty sản xuất bia Kitsukura Shuzo là người nước ngoài.

Điểm hấp dẫn đối với nhiều du khách không chỉ là khám phá địa điểm sản xuất rượu và thử rượu sake mà còn là tham gia vào quá trình sản xuất khi lưu trú tại ngôi nhà gỗ hơn 100 năm tuổi này.

Antoni Gandia, 38 tuổi, đến từ Thụy Sĩ, cho biết anh tham gia tour này vì muốn tìm hiểu về quy trình sản xuất rượu và văn hóa nơi đây.

Theo công ty Kurabito Stay, chương trình trải nghiệm này bắt đầu triển khai vào tháng 3/2020 và cho đến nay đã thu hút khoảng 650 du khách từ khoảng 30 quốc gia.

"Tôi muốn truyền bá giá trị của rượu sake Nhật Bản ra thế giới bằng cách tạo cơ hội cho mọi người tham gia vào quy trình sản xuất rượu đích thực", Chủ tịch công ty, Marika Tazawa, cho biết.

Masashi Kato, 60 tuổi, Giáo sư vi sinh ứng dụng tại Đại học Meijo, giải thích lĩnh vực nông nghiệp từ lâu đã phát triển mạnh ở vùng Tokai, nơi có nhiều đậu và gạo. Khí hậu ấm áp và ẩm ướt đã tạo điều kiện lý tưởng cho việc ủ rượu, cho phép sản xuất nhiều loại thực phẩm lên men.

Bà Sakiko Yoshida, người đã tổ chức các tour du lịch đến các nhà máy sản xuất truyền thống Nhật Bản, đã khởi động một dự án đào tạo các hướng dẫn viên du lịch tham dự các bài giảng và trải qua quá trình đào tạo tại nơi sản xuất.

"Chúng tôi muốn phát triển nguồn nhân lực – những người có thể đóng vai trò là trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đồng thời hỗ trợ các nền văn hóa địa phương", bà cho biết.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhat-ban-dat-cuoc-vao-mo-hinh-du-lich-len-men-20241216170541492.htm