Nhật Bản đặt mục tiêu đưa văn hóa onsen thành di sản phi vật thể của UNESCO
Nhóm Thống đốc đại diện cho 44/47 tỉnh ở Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu đưa văn hóa onsen (tắm suối nước nóng) của nước này trở thành di sản phi vật thể và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc công nhận vào năm 2028.
Onsen, tạm dịch là “suối ấm” theo tiếng Nhật, là một kiểu tắm suối nước nóng khá phổ biến tại Nhật Bản. Tắm Onsen là nét đẹp văn hóa có từ lâu của người Nhật. Ngoài tác dụng giúp thư giãn cơ thể, việc ngâm mình trong nước nóng tự nhiên cũng được xem là phương pháp chữa bệnh khá hiệu quả.
Nhóm vận động đưa onsen trở thành di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO được thành lập vào tháng 11/2022, tập hợp đại diện của 44/47 tỉnh ở Nhật Bản.
Nhóm dự kiến hoàn thiện một khảo sát vào tháng 3 tới về hiện trạng các khu vực suối nước nóng trên toàn đất nước và đánh giá mức độ bảo vệ các địa điểm theo tiêu chuẩn trở thành di sản văn hóa.
Báo cáo này sẽ được trình lên Chính phủ Nhật Bản với kỳ vọng sẽ góp phần phát triển các khu du lịch onsen trên đất nước này.
Thống đốc tỉnh Tottori Shinji Hirai, người đứng đầu nhóm vận động đưa onsen trở thành di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO chia sẻ, loại hình này xứng đáng được công nhận, có giá trị tương đương với nghệ thuật làm rượu sake và shochu truyền thống của Nhật Bản.
Được biết, kỹ thuật nấu rượu sake cũng vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12/2024 vừa qua.
Nhật Bản hiện có khoảng 3.000 khu nghỉ dưỡng suối nước nóng. Người Nhật xem đó là món quà từ thiên nhiên ban tặng. Theo nhóm vận động, onsen không chỉ là hoạt động giúp thư giãn cơ thể và tinh thần mà còn mang đậm phong cách sống của người Nhật, gắn liền với cuộc sống của người dân bản địa.