Nhật Bản đầu tư vào khai thác LNG ở Malaysia
Mitsubishi Corporation đã gia hạn 10% cổ phần hiện có trong hai trong bốn liên doanh thuộc tổ hợp Petronas LNG ở quận Bintulu, bang Sarawak, Malaysia.
"Thỏa thuận này đánh dấu sự đầu tư của Mitsubishi Corporation vào Malaysia LNG ('MLNG') Dua và MLNG Tiga trong thập kỷ tới, với việc gia hạn 10% cổ phần tại MLNG Dua và tái đầu tư 10% cổ phần tại MLNG Tiga", theo thông cáo chung. Hai liên doanh còn lại của dự án là MLNG và Petronas LNG 9.
Các thỏa thuận này đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên cho Nhật Bản với chín dây chuyền sản xuất, có tổng công suất 29,3 triệu tấn mỗi năm. Tổ hợp này đã cung cấp năng lượng cho Nhật Bản từ năm 1983, theo Petroliam Nasional Bhd. "Tổ hợp PETRONAS LNG là một trong những nhà cung cấp LNG chính, cung cấp các giải pháp năng lượng carbon thấp cho nhiều khách hàng trong cả lĩnh vực công và tư ở Nhật Bản", theo thông cáo.
“Quan hệ đối tác chiến lược nêu bật bối cảnh kinh tế mạnh mẽ của Malaysia, đặc biệt là khu vực Sarawak, điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”, tuyên bố được công bố trên trang web của các doanh nghiệp.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mitsubishi Katsuya Nakanishi cho biết, “Tập đoàn Mitsubishi mong muốn cung cấp nguồn lực hỗ trợ việc phát triển và thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường LNG toàn cầu cho sản lượng tương lai của PETRONAS, với LNG là nhiên liệu được ưu tiên trong thời đại chuyển đổi năng lượng”.
Khí đốt tự nhiên là phân khúc kinh doanh chính của tập đoàn Nhật Bản tại quốc gia Đông Nam Á này. Về thượng nguồn, Mitsubishi đã tham gia vào 10 lô khí đốt ở Sarawak, nằm ở khu vực đảo Borneo thuộc Malaysia. Bên cạnh nhiên liệu hóa thạch, công ty mở rộng sự hiện diện sang các lĩnh vực hóa dầu, ô tô, kim loại, thép và thực phẩm. Theo tuyên bố, khoản đầu tư của Mitsubishi vào Malaysia đạt khoảng 5 tỷ MYR (1,2 tỷ USD) vào năm ngoái.
Vào đầu năm nay, Mitsubishi, Petronas, ENEOS Corp. và JX Nippon Oil & Gas Exploration Corp. đã ký kết thỏa thuận về khả năng thu hồi và lưu trữ carbon dioxide (CO2) giữa Malaysia và Nhật Bản.
"Đây sẽ là một trong những dự án thu hồi và lưu trữ CO2 (CCS) quy mô lớn nhất hiện nay do Nhật Bản lên kế hoạch, với mục tiêu bắt đầu hoạt động vào năm tài chính 2030", theo thông cáo báo chí.
"Bốn công ty sẽ tiến hành nghiên cứu về việc thu khí thải CO2 từ nhiều ngành công nghiệp tại khu vực Vịnh Tokyo (vùng Keihin và Keiyo), các thiết bị cần thiết, vận chuyển CO2, địa điểm lưu trữ CO2, tính khả thi của CCS và các quy định pháp luật liên quan đến CCS tại Nhật Bản và Malaysia", theo báo cáo.
"Lượng CO2 dự kiến sẽ được lưu giữ và tích lũy trong khu vực là khoảng 3 triệu tấn mỗi năm", các công ty cho biết. "Chúng tôi cũng có thể mở rộng để thu giữ khoảng 6 triệu tấn CO2 mỗi năm trong khu vực".