Nhật Bản: Đề xuất giảm thuế để kích thích tiêu dùng từ năm 2022
Ngày 16/12/2021, Liên minh cầm quyền Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch thuế của năm tài chính 2022 với các ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động. Kế hoạch thuế này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương để tăng thu nhập cho người lao động, từ đó thúc đẩy tiêu dùng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các nước OECD thống nhất mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%
Cam kết của tân Thủ tướng Fumio Kishida
Theo đó, các tổng công ty tăng 3% lương hoặc nhiều hơn và các doanh nghiệp nhỏ tăng ở mức tối thiểu 1,5% sẽ được giảm thuế đúng như hứa hẹn của Thủ tướng Fumio Kishida trước bầu cử về điều tiết thu nhập của người giàu hỗ trợ tầng lớp trung lưu (chiếm 92% dân số Nhật Bản).
Trong khi đó, một số vấn đề chủ yếu như tăng thuế giá trị vốn để tăng sự đóng góp của những người có thu nhập cao và ban hành thuế carbon để thúc đẩy giảm khí thải không được nhắc đến.
Trên cơ sở kế hoạch cuối cùng của Đảng cầm quyền (Dân chủ Tự do - LDP) và đồng minh lâu năm (Đảng Komeit), chính phủ của Thủ tướng Kishida sẽ đệ trình Hạ viện dự thảo luật với nội dung trên vào kỳ họp thường niên tháng 1/2022.
Có hiệu lực áp dụng trong hai năm kể từ năm tài chính 2022 (bắt đầu từ 1/4/2022), chính sách thuế mới nhằm thúc đẩy tăng lương sẽ giảm 30% thuế cho các tổng công ty và 40% cho các công ty nhỏ tùy theo mức độ tăng lương và các khoản đầu tư đào tạo nhân công.
Chính phủ của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất giảm thuế để kích thích tiêu dùng kể từ năm 2022. Ảnh: TTXVN.
Thực ra, biện pháp giảm thuế tương tự đã được ban hành, tuy nhiên, với chính sách lần này phạm vi hưởng lợi được mở rộng và mức giảm thuế được nâng lên.
Theo Liên đoàn Công đoàn Thương mại Nhật Bản (Rengo) – tổ chức công đoàn lớn nhất quốc gia này, trong năm tài chính 2021, lương đã tăng 1,78%.
Ngay khi chấp chính vào tháng 10, Thủ tướng Kishida đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tăng lương và đạt được một sự phân phối lại tài sản đang tích lũy tại các công ty dưới hình thức các khoản lợi nhuận không chia, dự phòng đầu tư và tín nhiệm tín dụng.
“Thách thức đối với chúng tôi là tăng lương dài hạn thay vì một thành tựu nhất nhất thời”- Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki khẳng định tại cuộc họp báo trước khi đề xuất thuế được các đảng cầm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, theo ông Yoichi Miyazawa- người đứng đầu Ủy ban Thuế của LDP “Việc giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng lương sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 150 tỷ Yên (1,3 nghìn tỷ USD)”. Mặc dù vậy, “các thảo luận về cân đối chi phí bảo hiểm xã hội và nguồn thu thuế để đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững sẽ là cần thiết chỉ sau khi dịch bệnh lắng xuống”.
Doanh nghiệp e dè do những khó khăn của dịch bệnh vẫn còn tiểm ẩn
Mặc dù việc tăng lương và sự phục hồi các hoạt động kinh tế có thể báo trước sự lạc quan cho các đảng cầm quyền trong cuộc chạy đua vào Hạ viện tháng 4/2022, các nhà kinh tế lại nghi ngờ về khả năng các công ty Nhật Bản chấp nhận chi phí nhân công cao hơn trong bối cảnh diễn biến khó lường của Covid-19.
“Các chủ doanh nghiệp sẽ ngần ngại tăng lương cơ bản, vì như vậy sẽ rất khó để điều chỉnh giảm trong tương lai khi doanh thu giảm đi” - một nhà kinh tế bình luận. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định sẽ đủ mạnh để khuyến khích các công ty gánh chịu chi phí nhân công cao hơn.
Trong các lĩnh vực khác, các đảng cầm quyền đã quyết định giảm mức ưu đãi thuế thu nhập cá nhân khi mua nhà. Hiện, các cá nhân mua một căn nhà mới được trừ khỏi thu nhập chịu thuế một số tiền bằng 1% số dư cuối năm của khoản vay mua nhà, mức trừ này sẽ chỉ còn 0,7%. Mặc dù giảm thuế cho người mua nhà bị phê phán là lạc hậu khi mức lãi tiền vay phải trả thấp hơn 1%, chính sách khuyến khích này vẫn sẽ có hiệu lực thêm bốn năm nữa, tức đến hết năm 2025.
Đối với thuế giá trị vốn tăng thêm và lãi cổ phần, mức thuế suất hiện hành đối với các khoản thu nhập qua biên giới vẫn được duy trì ở mức 20%, mặc dù được nhận thức rằng mức thuế suất này là quá thấp.
Theo kế hoạch thuế 2022, nó chỉ được thực hiện khi chính phủ tiếp tục rà soát toàn diện việc đánh thuế đối với thu nhập tài chính. Bản thân Thủ tướng Kishida cho rằng, việc tăng thuế suất đã có thể là một phương án, nhưng sau đó được rút lại do quan ngại về ảnh hướng đối với thị trường chứng khoán.
Thuế carbon cũng đã được cân nhắc để ban hành nhằm giảm hiệu ứng nhà kính, nhưng cuối cùng không được đưa vào kế hoạch thuế năm nay do sự phản đối mạnh mẽ từ các giới kinh doanh.
Kế hoạch thuế năm nay cũng sẽ củng cố việc đánh thuế các tập đoàn hoạt động trên phạm vi toàn cầu do việc áp dụng nguyên tắc mới về thuế quốc tế được nhất trí bởi hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ hồi tháng 10/2021. Đó là thuế thu nhập tối thiểu với thuế suất 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và lãi nhất trên thế giới bất kể sự hiện diện vật chất của các công ty này.