Nhật Bản: Địa phương áp thuế mới khiến ngành điện mặt trời bị phủ bóng đen
Các công ty sản xuất năng lượng tái tạo ở Nhật đang đối mặt với việc các chính quyền địa phương áp thuế hoặc hạn chế mới đối với việc xây cơ sở sản xuất điện mặt trời.
Xu hướng đánh thuế là do người dân địa phương lo ngại nguy cơ lở đất và cảnh quan địa phương bị suy thoái do việc tăng nhanh việc xây dựng các cơ sở phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Thuế “bảng pin mặt trời” để bảo đảm an toàn cho dân địa phương.
Tại thành phố Mimasaka thuộc tỉnh Okayama, một số cánh rừng bị chặt để xây các nhà máy phát điện mặt trời, gồm nhà máy Sakuto, một trong những nhà máy quang điện lớn nhất nước Nhật.
Đây sẽ là nơi đầu tiên một chính quyền địa phương áp một loại thuế đặc biệt được gọi là “thuế bảng pin mặt trời”. Chính quyền Mimasaka sẽ yêu cầu công ty vận hành nộp 50 Yen trên mỗi mét vuông tấm pin mặt trời.
Một quan chức thành phố giải thích: “Các khu vực từng là vùng xanh nhưng nhanh chuyển đổi thành đất xây dựng cơ sở phát điện, đã làm tăng sự lo ngại nguy cơ sạt lở đất cùng những vấn đề khác có thể tác động xấu đến sự an toàn của người dân địa phương”.
Ông cho biết nguồn tiền thuế thu được - ước tính khoảng 110 triệu Yen/năm - sẽ được dùng làm kinh phí cho các biện pháp kiểm soát lũ lụt và xây dựng các điểm sơ tán.
Chính quyền Mimasaka từng đề xuất mức thuế này lên hội đồng thành phố hồi năm 2019, nhưng liên tục không được thông qua hoặc bị gác lại để xem xét thêm do vấp phải nhiều phản đối, như cách áp thuế này không tương thích với chủ trương quảng bá năng lượng tái tạo của chính phủ Nhật.
Tuy nhiên, đề xuất này cuối cùng được thông qua hồi tháng 12.2021 với đa số phiếu thuận.
Dù vậy, Pacifico Energy là đơn vị xây nhà máy quang điện Sakuto đã phản đối kế hoạch đánh thuế của chính quyền thành phố. Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu đặt trụ sở ở Tokyo này tuyên bố: “Không thể chấp nhận nhà máy của chúng tôi bị đối xử như một “cơ sở gây phiền nhiễu”, ngay cả khi chúng tôi đã có những biện pháp phòng ngừa thảm họa hiệu quả”.
Để ngăn ngừa sông dâng nước gây lụt, công ty đã xây dựng 21 hồ trữ nước khi xây nhà máy trên 410 ha đất từng là núi rừng và từng là một sân golf. Giải pháp chống lụt này vượt quá tiêu chuẩn chống ngập của tỉnh những 80%.
Trước khi xây nhà máy, công ty cũng tổ chức 90 cuộc họp để giải thích cho người dân biết về mục đích của việc xây nhà máy và hồ thoát nước.
Một quan chức công ty bực bội nói với báo Yomiuri Shimbun: “Nếu kiểu áp thuế này trở nên phổ biến thì ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ bị đình trệ”.
Khi giới thiệu một loại thuế địa phương mới không theo luật định, các chính quyền địa phương phải có được sự phê chuẩn của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật.
Nhưng hồi tháng 6.2022, Bộ đã lưu ý chính quyền Mimasaka “phải thảo luận với các đơn vị vận hành”, có nghĩa trả lại đề xuất áp thuế “bảng pin mặt trời” cho chính quyền này. Từ đó, hai bên đã đối thoại nhưng cho đến nay “vẫn còn bất đồng”, theo một quan chức cấp cao của chính quyền thành phố này.
Các quy định hạn chế về xây dựng nhà máy điện mặt trời
Hồi tháng 9, chính quyền tỉnh Miyagi thông báo sẽ áp thuế đối với các doanh nghiệp phát quang rừng để xây các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo. “Chúng tôi đã tạo ra một cách tăng gánh nặng kinh tế lên các đơn vị vận hành nhằm thuyết phục họ tìm các điểm xây dựng thích hợp hơn là ở các vùng rừng”, là lời giải tích của tỉnh trưởng Yoshihiro Murai.
Một số chính quyền địa phương khác cũng ban các lệnh hạn chế xây dựng những cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo.
Theo Viện Nghiên cứu vì Chính quyền Địa phương, trong tháng 9 đã có 203 thành phố ban các lệnh cấm phát triển cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo tại một số khu vực, hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải xin giấy phép của lãnh đạo thành phố trước khi khởi công.
Các luật mới này nhằm đối phó sự phát triển nhanh số cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo, tiếp sau việc chính phủ Nhật ban hành chính sách giá cả ưu đãi Feed-in Tariff (FiT) nhằm thúc đẩy lắp đặt các tấm pin điện mặt trời trong nước từ năm 2012.
FiT có nghĩa “luật bán điện vào lưới”, buộc các công ty điện lực Nhật có nghĩa vụ mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo - như điện gió, điện mặt trời, thủy điện... - theo giá cố định do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản quy định.
Theo Bộ này, từ tháng 4.2021 đến tháng 2.2022, có 33 cơ sở điện mặt trời bị tổn hại hoặc phần đất bị sạt lở do trời mưa to. Vài công ty cũng khai hoang đất rừng quá mức mà không giải thích được lý do xác đáng, một điều khiến gia tăng sự lo ngại của người dân.
“Bên cạnh sự lo sợ về nguy cơ xảy ra thảm họa, nhiều cư dân cũng lo ngại tác động xấu của các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo lên cảnh quan và nguồn thu từ du lịch”, theo một đồng thủ lĩnh của tổ chức công dân Zenkoku Saiene Mondai Renraku-kai,vốn là một ủy ban liên lạc quốc gia về những vấn đề liên quan năng lượng tái tạo.
Phòng chống những rắc rối
Chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu kéo giảm lượng thải phát khí nhà kính về 0 từ năm 2050, nên việc phải làm là phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo.
Để phòng tránh các vấn đề nổi lên từ phía cư dân và các doanh nghiệp, chính phủ Nhật hồi tháng 4.2020 đã bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động môi trường khi lập kế hoạch xây các cơ sở điện mặt trời cấp độ lớn.
Trong tháng 10, một ủy ban chuyên viên chính phủ đã tập hợp nhiều kiến nghị gồm 3 cột trụ chính: nghiêm ngặt trong khâu cấp phép và phê chuẩn các kế hoạch phát triển điện mặt trời của các đơn vị vận hành, bắt buộc phải thông báo trước cho cộng đồng địa phương biết như thông qua các cuộc gặp để giải thích, và thanh tra kỹ lưỡng các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ra thảm họa.
Chính phủ Nhật đã có kế hoạch sửa đổi hệ thống hiện nay, căn cứ theo các kiến nghị của ủy ban.
Một lãnh đạo của Viện Nghiên cứu vì Chính quyền Địa phương cho biết: “Tại Nhật, hầu hết cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo được xây trên các sườn núi do thiếu đất bằng. Theo các quy định hiện nay thì sự lo ngại của người dân chưa được giải quyết. Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực tạo ra một sự cân bằng giữa việc trấn an nỗi lo sợ của cư dân địa phương và quảng bá sử dụng năng lượng tái tạo”.