Nhật Bản: Dịch vụ mai mối bằng trí tuệ nhân tạo đem lại hiệu quả tốt
* Sử dụng AI để phân tích khối u não ác tính
Trước tình trạng ngày càng nhiều người Nhật Bản không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn, chính quyền nước này đã áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân kết hôn.
Từ tháng 4/2021, các cặp đôi mới kết hôn ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp tới 600.000 yen (5.700 USD) để trang trải phí thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới nếu họ sống tại các khu vực đô thị áp dụng chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với các cặp đôi mới kết hôn.
Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố chính sách mới nhằm đảo ngược tỉ lệ sinh thấp lịch sử của nước này.
Các biện pháp dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 22 tỉ USD, bao gồm cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em vào đầu những năm 2030 và nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em, cùng các ưu đãi khác mà chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi các biện pháp kinh tế chưa đưa ra một hiệu quả rõ rệt nào, nhiều người Nhật Bản vẫn lựa chọn kết hôn muộn hoặc không kết hôn, chính quyền nước này đã sử dụng đến trí tuệ nhân tạo như một “vũ khí" mới nhằm hối thúc những người độc thân tìm một nửa của mình.
Chính quyền ở nhiều địa phương đã tổ chức các sự kiện mai mối, trong đó sử dụng AI để sàng lọc sự tương thích giữa các đối tác tiềm năng. Họ nói rằng cách thức này đôi khi dẫn đến kết quả là sự tác hợp của những cặp đôi mà trước đó chưa bao giờ tưởng tượng rằng họ có thể sẽ kết hôn với nhau.
Chính phủ Nhật Bản cũng góp phần hỗ trợ những hoạt động như vậy khi quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Các khoản trợ cấp cho các sự kiện mai mối nhờ AI đã được gia tăng kể từ năm tài chính 2021.
Theo Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3 năm ngoái, 31 trong số 47 quận của Nhật Bản đã cung cấp dịch vụ mai mối AI để tìm bạn đời. Chính quyền thủ đô Tokyo cũng tham gia vào dịch vụ này từ tháng 12 năm ngoái.
Lo lắng về tỉ lệ sinh giảm và dân số già, tỉnh Ehime đã sử dụng kho dữ liệu lớn để kết nối mọi người với những bạn đời tiềm năng.
Hệ thống AI của tỉnh đề xuất việc tìm kiếm bạn đời dựa trên thông tin cá nhân đã đăng ký với Trung tâm Hỗ trợ Kết hôn và lịch sử duyệt Internet của người đang tìm bạn đời.
Hirotake Iwamaru, cố vấn tại trung tâm, cho biết mục đích của chương trình này là mở rộng tầm nhìn của mọi người, giúp họ không bị giới hạn việc tìm kiếm theo những tiêu chí cũ như trường đại học đã học hay tuổi tác. Khoảng 90 cặp vợ chồng đã kết hôn mỗi năm nhờ sự hỗ trợ của trung tâm này.
Tỉnh Tochigi sử dụng hệ thống tương tự. Katsuji Katayanagi, làm việc tại trung tâm hỗ trợ hôn nhân của tỉnh, cho biết: "Những người trẻ tuổi có xu hướng đẩy công việc cho người khác làm, vì vậy tôi nghĩ đôi khi chúng ta cần sử dụng một nguồn dữ liệu lớn để giúp họ giới thiệu bạn đời".
Trong một hệ thống khác, người dùng sẽ trả lời hơn 100 câu hỏi, dựa trên đó AI sẽ phân tích những phẩm chất mà một người đang tìm kiếm ở một đối tác tiềm năng và ngược lại, sau đó ghép đôi họ với nhau.
Tại tỉnh Saitama, nơi hệ thống này được ra mắt vào năm 2018, có 139 cặp đôi đã kết hôn tính đến cuối tháng 11 năm ngoái. Một số cặp đôi thừa nhận họ đã kết hôn vơi người mà nếu để tự mình lựa chọn, họ sẽ không chọn. Một quan chức địa phương cho biết hệ thống này hiện đang cung cấp nhiều lựa chọn hẹn hò khác nhau.
Tỉnh Shiga đã ra mắt một trung tâm hỗ trợ kết hôn trực tuyến vào năm 2022, với một hệ thống tương tự như hệ thống đang được áp dụng tại tỉnh Saitama. Tính đến cuối tháng 1, đã có 13 cặp đôi quyết định kết hôn thông qua trung tâm hỗ trợ. Sáu người trong số họ lựa chọn các đối tác do AI giới thiệu.
* Trong một ứng dụng khác, theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 28/2, Fujifilm và Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản công bố đã phát triển hệ thống AI có thể kiểm tra các khu vực nghi ngờ có khối u não ác tính từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ - MRI. Hệ thống được giới thiệu có khả năng cung cấp thông tin chính xác về kích thước của khối u giúp tăng hiệu quả điều trị.
Cụ thể, các nhà khoa học đã phát triển hệ thống AI chuyên biệt để phát hiện các khối u não ác tính, thường gọi là u thần kinh đệm (glioma). Đây là một loại ung thư hiếm gặp với số ít bệnh nhân và khi khối u phát triển có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm đau đầu, buồn nôn và suy giảm ngôn ngữ.
Phương pháp điều trị điển hình cho căn bệnh này bao gồm chụp ảnh não MRI, thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u, sau đó xạ trị và hóa trị. Hiện nay, việc sử dụng AI để quan sát các khối u ngày càng phổ biến nhưng do số lượng bệnh nhân mắc u thần kinh đệm ít nên dữ liệu lâm sàng khan hiếm và cho đến nay vẫn chưa có AI chuyên biệt để phân tích.
Hệ thống AI mới do Fujifilm và Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản hợp tác phát triển có thể xác định chính xác diện tích và kích thước của khối u thần kinh đệm, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Fujifilm đặt mục tiêu sẽ sớm cho ra mắt các sản phẩm được trang bị công nghệ AI phát triển chung này.